1.jpg.jpg
10 tháng đầu năm, BĐ Thái Nguyên đạt tỷ lệ thu cước 98,01%

Với cách làm khoa học, BĐ Thái Nguyên là một trong những đơn vị đã làm khá tốt công tác thu cước, song cũng còn nhiều trăn trở. 

Thu cước cũng phải khoa học, chuyên nghiệp

Thu cước viễn thông mới nghe tưởng đơn giản, nhưng thực tế, đó là công việc khá vất vả. Đối với BĐ Thái Nguyên, lãnh đạo đơn vị luôn coi đây là một công tác quan trọng cần phải nghiên cứu và định hướng cụ thể. Theo bà Hà Thị Noa, Giám đốc BĐ Thái Nguyên thì “công tác thu cước viễn thông phải được coi là công việc đòi hỏi tính khoa học, chuyên nghiệp. Cụ thể là đội ngũ thu cước phải được chuyên nghiệp hóa và phải phân vùng một cách khoa học, thời gian thu cước phải hợp lý, phù hợp với tập tục của địa phương, với từng đối tượng khách hàng... Có như vậy mới đạt hiệu quả cao”.

Từ quan điểm xuyên suốt đó, BĐ Thái Nguyên đã xây dựng những biện pháp cụ thể. Trước hết là thành lập Tổ quản lý thu cước viễn thông trực thuộc Phòng Kế toán BĐ tỉnh, trong đó từng thành viên được giao trách nhiệm cụ thể. Đối với các BĐ huyện, thị xã sẽ do kế toán và thủ quỹ trực tiếp quản lý công nợ. Những đơn vị có số lượng thuê bao lớn được bố trí thêm nhân viên quản lý và theo dõi công nợ. Hàng tháng, BĐ tỉnh theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình thu cước phí, ghi nợ chi tiết từng vùng thu nợ, từng đơn vị.

Đối với những trường hợp khó thu, BĐ tỉnh trực tiếp cử nhân viên đi thu để tìm hiểu lý do khó thu, trên cơ sở đó có những phân tích, đánh giá, tìm ra nguyên nhân. Do viễn thông có nhiều loại dịch vụ nên trong quá trình khảo sát, BĐ tỉnh đã phân loại từng dịch vụ để quản lý và phân ra các loại nợ (nợ trong hạn, nợ đến hạn, nợ quá hạn), với mỗi loại lại đưa ra biện pháp thu cước khác nhau. Chẳng hạn, BĐ tỉnh phối hợp với các đơn vị như Công an, Toà án... ở địa phương ra thông báo giải quyết các trường hợp phải thu nợ khó đòi.

Ngoài ra, BĐ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc VNPT Thái Nguyên làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, giải quyết các khiếu nại, thắc mắc của khách hàng một cách nhanh chóng. Đối với các đơn vị là nhà máy, xí nghiệp có số lượng thuê bao lớn, BĐ Thái Nguyên đã đặt điểm thu cước viễn thông lưu động tại đó, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, vừa thuận lợi cho việc thu cước. Cứ 3 hoặc 6 tháng một lần, lãnh đạo BĐ và Viễn thông tỉnh lại họp, rút kinh nghiệm. Đặc biệt, hàng năm, đơn vị còn tổ chức hội nghị nhân viên thu cước để tạo điều kiện cho đội ngũ này trao đổi kinh nghiệm thu cước, từ đó xây dựng và in thành sổ cẩm nang công tác quản lý thu cước viễn thông để phổ biến trong toàn BĐ tỉnh; xây dựng chỉ tiêu thưởng và phạt kịp thời, thông qua hệ số chất lượng tác động đến thu nhập của nhân viên thu cước. Với cách làm khoa học đó, trong 10 tháng đầu năm 2010, tỉ lệ thu cước viễn thông của BĐ Thái Nguyên đạt 98,01% với tổng số thu 114,425 tỷ đồng.

Tâm tư nhân viên thu cước

Do tính chất công việc, đòi hỏi người thu nợ phải có tính kiên trì, mềm dẻo, hiểu rõ tâm lý khách hàng và thời điểm thích hợp đến thu cước; biết lập luận, giải thích những thắc mắc tối thiểu và thuyết phục khách hàng để thu được tiền. Theo đó, chỉ tiêu được đặt ra là nếu nhân viên thu được 99% số thuê bao được xếp loại I (hưởng 3.000đ/thuê bao), dưới 99% là loại II...

Chị Bùi Thị Nga (thu nợ tại P. Đồng Quang, TP. Thái Nguyên) được giao thu trên 900 thuê bao. Hầu hết, các tháng chị đều thu róc 100%. Tuy nhiên, gần đây có 2 thuê bao không nộp cước nên chị chỉ đạt loại II (hưởng 2.500đ/thuê bao). Chị Nga cho biết, mặc dù gia đình rất ủng hộ, tạo điều kiện, bản thân cũng rất nỗ lực nhưng đôi khi cũng cảm thấy nản. Bởi phụ nữ như Nga, đi thu nợ gặp phải không ít những rắc rối. Chẳng hạn, có những chủ thuê bao là công chức, bộ đội, công an, là đảng viên… nhưng cũng chây ì, để nhân viên thu cước phải đi lại 5-7 lần, lại còn xúc phạm, coi như kẻ đi xin. Nhiều lúc phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nói năng nhẹ nhàng… nhưng họ vẫn không nghe, lại còn thách thức “BĐ thích cắt thì cứ cắt”…

Còn theo anh Lê Việt Dũng (cũng thu cước tại P. Đồng Quang, TP. Thái Nguyên), có trường hợp do tin tưởng chủ thuê bao thường nộp đủ cước các tháng đã qua, nên thời điểm khách hàng đi làm ăn xa, cước điện thoại cố định tăng lên nhiều, anh ứng tiền ra nộp thay cho chủ thuê bao (để đủ chỉ tiêu 99%), nhưng không ngờ, do cước tăng cao, chủ thuê bao “lặn mất tăm”...

Anh Đinh Quý Công, nhân viên thu cước tại xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên còn cho biết, có những khách hàng “chủ tâm rời mạng” bằng cách thực hiện nhiều cuộc gọi để khi cước lên cao, họ không nộp tiền, thì “BĐ tự cắt”...

Hầu hết, các nhân viên thu cước đều có chung một tâm tư: Hoa hồng 3000đ/thuê bao là quá thấp, bởi trừ chi phí xăng xe, gọi điện thoại, thời gian đi lại (có thuê bao phải đi lại tới 6-7 lần)... thì số tiền họ được hưởng không còn nhiều. Trong khi đó, Viettel có cách tính khá hợp lý đối với nhân viên thu cước: với thuê bao di động, hoa hồng thu cước là 5000đ/thuê bao (nhân viên thu cước phải dùng điện thoại của mình gọi vào điện thoại di động của khách hàng để hẹn...); hoa hồng thu cước các thuê bao viễn thông khác là 3000đ/thuê bao.

Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 136 ra ngày 12/11/2010.