Tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết ngành Tài chính 6 tháng đầu năm 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chia sẻ một hiện tượng nhức nhối được phát hiện là hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các nước mà Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế quan.
Cơ quan Hải quan đang tiến hành điều tra, xác minh, trong tháng 7 sẽ có báo cáo chi tiết các vụ việc gian lận về xuất xứ này tới các cấp.
Nói về quá trình điều tra xác minh các vụ việc gian lận xuất xứ, lãnh đạo Tổng cục Hải quan lấy dẫn chứng mặt hàng gỗ.
Gian lận thương mại ngày càng tinh vi, phức tạp. |
"Doanh nghiệp khai báo rằng mặt hàng sản xuất trong nước nhưng chúng tôi điều tra chứng minh họ không sản xuất trong nước, toàn nhập khẩu nguyên chiếc về. Họ khai mua của các nông trường, hộ nông dân, có xác nhận của chính quyền xã, nhưng chúng tôi đi chứng minh việc này là không có. Các đơn vị đã phải ký vào biên bản thừa nhận rằng không bán hàng cho các doanh nghiệp này", ông Nguyễn Văn Cẩn nói.
Đại diện Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị chức năng tại các địa bàn, đặc biệt là Ủy ban nhân dân các tỉnh, tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng xác nhận "khống" thông tin về nguyên liệu đầu vào cấu thành sản phẩm xuất khẩu. Bởi các đối tác như Mỹ, Ấn Độ,... sẽ trừng phạt bằng các biện pháp kinh tế như thuế chống phá giá.
Câu chuyện về thép cán nguội Việt Nam xuất khẩu có nguồn gốc nguyên liệu từ Đài Loan, Hàn Quốc bị Mỹ đánh thuế lên tới hơn 400% là cảnh báo.
Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Tổng cục Hải quan sẽ trao đổi cơ sở dữ liệu với các Bộ, ngành liên quan (đặc biệt là hai cơ quan được giao cấp giấy chứng nhận xuất xứ là Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) để kiểm soát tình trạng gian lận xuất xứ này.
Một vấn đề nữa nổi lên trong nửa năm qua là buôn bán hàng cấm, đặc biệt là ma tuý. Hiện nay, ma tuý được vận chuyển vào Việt Nam trên tất cả các tuyến, từ cảng biển, hàng không và đường bộ ở tất cả các phương tiện, kể cả đóng trong container với quy mô, số lượng lớn.
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã chủ động điều tra, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ ma tuý lớn với trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Qua đó, chúng tôi cũng kiến nghị lãnh đạo UBND các tỉnh, các lực lượng chức năng trên các địa bàn tiếp tục phối hợp đồng bộ, tăng cường chỉ đạo thống nhất để kiểm soát tình trạng này trong thời gian tới.” - ông Cẩn nói.
Ngoài ra, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay, 6 tháng đầu năm 2019 còn xuất hiện tình trạng buôn lậu hàng cấm thông qua tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu quá cảnh. Lực lượng Hải quan đã bắt giữ nhiều vụ việc. Khi siết chặt các khu vực cảng biển, các đối tượng lại lợi dụng tạm nhập tái xuất hàng cấm sang Campuchia và Lào, hoặc nhập khẩu vào 2 nước này rồi xé lẻ đưa về Việt Nam gồm cả hàng cấm, hàng giả, hàng gian lận xuất xứ để lừa người tiêu dùng Việt Nam.
“Qua Hội nghị này, chúng tôi cũng muốn được chia sẻ thách thức của lực lượng Hải quan là vừa phải đảm bảo an ninh, an toàn, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vừa phải tạo thuận lợi, không gây phiền hà, sách nhiễu cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ” - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ.
Lương Bằng