Thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển bùng nổ tại Việt Nam |
Theo Tổng cục Hải quan, thương mại điện tử với nhiều tính năng ưu việt, cho phép người tiêu dùng mua sắm mọi nơi, mọi lúc từ các cửa hàng trên khắp thế giới một cách nhanh chóng, thuận tiện đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên thực tế đặt ra hàng loạt yêu cầu đối với cơ quan hải quan trong việc kiểm soát hàng hóa thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cùng đó thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam trong những năm gần đây, người tiêu dùng đã khá quen thuộc với việc đặt hàng trực tuyến tại các trang thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Adayroi…
Với đặc thù của thương mại điện tử là không giới hạn về không gian, thời gian, người dùng có thể nhanh chóng có đầy đủ thông tin để ra quyết định mua hàng. Thương mại điện tử xuyên biên giới vì vậy sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Khi đó, cơ quan hải quan, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước phải đối mặt với nhiều vấn đề trong việc quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Như số lượng tờ khải hải quan tăng lên nhanh chóng do các lô hàng thương mại điện tử thường có trị giá thấp, phần lớn người mua hàng là người tiêu dùng trực tiếp; các vấn đề về phân loại hàng hóa, xác định xuất xứ hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn do khách hàng không thường xuyên nhập một loại hàng hóa…
Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là các yêu cầu về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa giao dịch thông quan thương mại điện tử xuyên biên giới.
Do các lô hàng thường có số lượng nhỏ, nếu các cơ quan quản lý vẫn áp dụng theo các quy định về chính sách mặt hàng sẽ đẫn đến không chỉ khó khăn cho người mua hàng mà còn tạo khối lượng công việc khổng lồ lên các cơ quan quản lý.
Xuất phát từ yêu cầu phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan đang xây dựng Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đề án nhằm kết nối các cơ quan chính phủ và các bên trong chuỗi cung ứng (bao gồm: các ngân hàng thương mại, bảo hiểm, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics,...) liên quan đến các hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Nhiệm vụ cụ thể bao gồm hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; thiết lập cơ chế thanh toán, bảo lãnh và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giao dịch và thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK.
Yêu cầu đặt ra với đề án là vừa phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, vừa đảm bảo các yêu cầu của quản lý nhà nước về hải quan, tránh việc lợi dụng chính sách về thương mại điện tử để trốn thuế, gian lận thương mại.
Theo kế hoạch, Đề án sẽ được hoàn thiện trong năm 2019 và triển khai từ năm 2020.