Trong điều kiện dịch bệnh, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, song với quyết tâm thúc đẩy phát triển chăn nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh Nam Định cùng các địa phương đã tích cực tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung.
Việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học đang dần trở thành xu hướng ở các địa phương, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững và phòng ngừa dịch bệnh lở mồm long móng.
Theo số liệu từ cơ quan chuyên môn, cơ cấu ngành chăn nuôi của Nam Định với hơn 633.000 con lợn, hơn 37.000 con trâu bò, hơn 8 triệu con gia cầm cần phải được cơ cấu gắn với 3 trục sản phẩm là sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng và sản phẩm OCOP.
Ảnh minh họa. |
5 tháng đầu năm 2021, tổng đàn lợn của Nam Định đạt 633.228 con, tăng 0,1%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 79,42 nghìn tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 85 kg/con.
Tuy nhiên, thời gian này, ngành chăn nuôi của địa phương tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Do tác động của dịch bệnh Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội đã làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng thực phẩm trong các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, nhà hàng…
Giá thịt lợn hơi giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg (giảm 15 - 18%), giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 30% so với đầu năm; giá lợn giống luôn ở mức cao 2 – 2,5 triệu đồng/con.
Các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất chăn nuôi của tỉnh.
Phương thức chăn nuôi của tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến rõ rệt, tích cực theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ. Hình thức chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp ngày càng được nhân rộng.
Toàn tỉnh hiện có 472 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo Luật Chăn nuôi, bước đầu đã hình thành mối liến liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.
Tỉnh cũng thường xuyên khuyến cáo người chăn nuôi nhập con giống từ các cơ sở giống uy tín, an toàn dịch bệnh, không nhập giống không rõ nguồn gốc...
Trước đây, gia đình Vũ Thị Quy (Ý Yên, Nam Định) nuôi lợn kiểu truyền thống, tức là tận dụng, cơ sở chăn nuôi sơ sài, không có kho để thức ăn, không có hố sát trùng, khử khuẩn. Đàn lợn hay ốm, tỉ lệ tăng trọng không cao, năng suất thấp.
Sau khi tham gia các khóa học ngắn hạn về chăn nuôi do trung tâm khuyến nông huyện tổ chức, tiếp cận với các tài liệu về chăn nuôi lợn ăn toàn sinh học. Bà Quy nhận thấy ưu việt của cách chăn nuôi này nên đã mạnh dạn vay vốn, mở rộng đầu tư hơn 200 triệu đồng xây chuồng trại khép kín, tường rào bao quanh, hố vệ sinh, hệ thống máng ăn tự động…
Trước và sau khi nhập lợn về nuôi bà thường thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, bổ sung các loại thức ăn thảo dược tăng đề kháng cho đàn vật nuôi. Với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đến nay đàn lợn nhà bà phát triển tốt, đạt năng suất, thu về lợi nhuận cao. Nhờ đó kinh tế gia đình cũng khấm khá hơn.
Để phát triển lĩnh vực chăn nuôi gia súc, Nam Định cần có những chính sách giúp tách những trại chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn ra khỏi khu dân cư. Đó là yêu cầu quan trọng để đảm bảo an toàn sinh học cũng như an toàn dịch bệnh.
Thế mạnh của Nam Định là có những doanh nghiệp mạnh về giống. Sở NN-PTNT Nam Định cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất giống để tạo ra con giống phù hợp với nhu cầu của những thị trường khác nhau, đảm bảo tính bền vững và phù hợp.
Đồng thời, hình thành chuỗi liên kết, đặc biệt là những vệ tinh xung quanh các công ty xuất khẩu để những hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước được đầu tư hiệu quả...
Các hộ chăn nuôi cần tham gia vào HTX để hình thành việc liên kết sản xuất, từ đó việc chỉ đạo kỹ thuật cũng như chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức được thuận tiện hơn.
Các doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng trực tiếp với HTX, thay vì ký với từng hộ chăn nuôi như trước đây để quá trình đào tạo, tập huấn cũng như chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được phù hợp, đồng thời có thể sản xuất những giống thích hợp với thị trường.
Một trong những yếu tố để hỗ trợ các nông hộ phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng và các dịch bệnh động vật khác là hướng dẫn kĩ thuật cho người chăn nuôi trong các khu dân cư áp dụng an toàn sinh học, đồng thời sử dụng chế phẩm vi sinh cũng như các dạng đệm lót sinh học để vừa đảm bảo môi trường, vừa tăng cường an toàn sinh học, vừa tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi bản địa.
Những đặc điểm nổi bật của chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học đó là giữ khoảng cách giữa các trang trại, các vùng nuôi với nhau và với cộng đồng. Quản lý chặt chẽ từ con giống đến thức ăn, nguồn nước, hạn chế phát sinh dịch bệnh, khống chế dịch bệnh nếu dịch xảy ra. Giữ vệ sinh cho vật nuôi và cả người nuôi ở mức độ cao nhất. Liên tục khử trùng vùng nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định cũng triển khai nhiều phương thức nhằm tuyên truyền, hướng dẫn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tăng đàn lợn, chăn nuôi theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đúng với hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học.
Đảm bảo yêu cầu về con giống sạch bệnh, thức ăn và nước uống an toàn; thực hiện tốt quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng; kiểm soát vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào trại; kiểm soát tốt phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi.
Đồng thời xử lý tốt chất thải chăn nuôi, kiểm soát môi trường chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại dịch bệnh thông thường. Vệ sinh sát trùng định kỳ chuồng trại và sử dụng các chế phẩm hỗ trợ trong chăn nuôi....
Chi cục còn hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch; rà soát, kịp thời tiêm vaccine cho đàn vật nuôi, phòng các bệnh truyền nhiễm theo quy định, nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao.
Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.
Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại về kinh tế.
Minh Phúc