Chủ trương đúng đắn
Ngày 11/1/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2022 đến ngày 31/12/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngay sau khi Nghị quyết số 43 được thông qua, Chính phủ đã khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, áp dụng từ ngày 1/2/2022 đến hết năm 2022.
Trong đó, quy định cụ thể danh mục các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) và đối tượng được giảm thuế là cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ; giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu (có loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không áp dụng việc giảm thuế).
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44.458 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Khi thực hiện giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế GTGT không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.
Tiếp tục giảm 2% cho 6 tháng năm 2023
Ngày 24/6/2023, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua quyết định giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT với các nhóm hàng cụ thể. Việc giảm thuế GTGT 2% từ 1/7/2023 theo Nghị quyết số 101/2023/QH15.
Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, Ngân sách Nhà nước năm nay sẽ hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi giảm thuế GTGT còn 8% đến hết năm 2023.
Thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí nói chung và giảm thuế GTGT nói riêng được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, qua đó góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế thời gian qua.
Theo đánh giá từ phía doanh nghiệp, lần thứ hai thuế VAT được giảm 2% đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công, tiêu dùng, có tác dụng trực tiếp giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và giúp doanh nghiệp tái đầu tư sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đánh giá: Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là thị trường xuất khẩu. Khi đó, rất cần khơi thông thị trường trong nước.
Theo ông Lộc, giảm thuế là một trong những biện pháp rất quan trọng hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp là áp dụng chính sách giảm thuế. Thực tế, trong bối cảnh khó khăn, gánh nặng tăng trưởng bao giờ cũng đặt lên vai thị trường trong nước, việc kích cầu thị trường nội địa là giải pháp vô cùng quan trọng. Việc Quốc hội tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT 2% là một chủ trương đúng đắn và phát huy tác dụng ngay khi thực hiện.