Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo (SRISI) vừa tổ chức hội thảo tập huấn tuyên truyền về chủ đề “Tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển trước nguy cơ ô nhiễm do rác thải nhựa” cho chính quyền và nhân dân phường Đồng Hải, Đồng Hới, Quảng Bình.
Hội thảo nhằm xây dựng diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cấp chính quyền và cộng đồng dân cư tại phường Đồng Hải trao đổi, thảo luận những kiến thức về rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa, đề xuất giải pháp giảm thiểu tối đa việc xả rác thải nhựa ra môi trường biển, hạn chế tác động của rác thải nhựa đối với môi trường, hệ sinh thái biển vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, môi trường biển tại phường Đồng Hải, góp phần vào thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận của các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu khoa học về Biển và Hải đảo, Học viện Tư pháp, như: Các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước Việt Nam về phòng, chống ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa.
Kinh nghiệm thực tiễn của các địa phương về thực thi chính sách, quy định pháp luật phòng, chống ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa; hành vi, trách nhiệm của các chủ thể trong vấn nạn ô nhiễm do rác thải nhựa...
Bên cạnh đó, các tham luận của hội thảo cũng đề cập đến các chính sách, quy định pháp luật của tỉnh Quảng Bình về phòng, chống ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa; thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống rác thải nhựa của phường Đồng Hải, (Đồng Hới) và những hạn chế, bất cập cần khắc phục.
Thông qua các tham luận, các đại biểu đã thảo luận và đánh giá khảo sát làm rõ hơn về vấn đề, mức độ ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa, qua đó xây dựng báo cáo tổng kết hiệu quả của dự án.
Giảm thiểu chất thải nhựa, ni lông đã trở thành vấn đề cấp bách nhất là với sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy, thông qua hội thảo để bàn về chính sách, công nghệ xử lý rác thải nhựa lần này là một trong những hành động đầu tiên để thực hiện…
Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, túi ni lông vẫn còn rất phức tạp; cùng với sự tăng trưởng của dân số và kinh tế, chất thải nhựa phát sinh ngày càng gia tăng, trong khi lượng lớn chất thải này chưa được phân loại, thu gom, xử lý triệt để…
Tại hội thảo này, Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo (SRISI) và tỉnh Quảng Bình mong muốn góp phần làm cho phong trào chống rác thải nhựa thành công; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất, hoàn thiện cơ chế chính sách giảm thiểu chất thải nhựa; khuyến khích phát triển sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường, thay thế các sản phẩm nhựa, túi ni lông dùng một lần khó phân hủy, qua đây cũng truyền đi thông điệp và cam kết “chống rác thải nhựa” đến toàn tỉnh.
Các nhà nghiên cứu đánh giá xuyên suốt từ 2018 đến nay, các cấp lãnh đạo chính quyền của tỉnh Quảng Bình đã có những hành động tích cực trong việc phòng chống ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa. Như có các văn bản chỉ đạo và hành động trong việc thực hiện phòng chống ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa. Trong đó, điểm sáng là Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 23/9/2020 về tăng cường công tác quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Chỉ thị số 16/CT-UBND là việc triển khai thực hiện hiệu quả theo Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu.
Dự án “Phòng, chống ô nhiễm biển do rác thải nhựa tại phường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình” nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư ven biển do Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo và Công ty Luật TNHH VNJUST đồng phối hợp tổ chức, thực hiện. Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án, các nội dung về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển trước nguy cơ ô nhiễm do rác thải nhựa, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường biển và phòng, chống rác thải nhựa đã thu hút được sự tham gia rộng rãi của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, địa phương.