Tảo hôn và hôn nhân cận huyến thống là tập tục tồn tại lâu đời ở nhiều vùng, miền nhưng phổ biến vẫn là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số và nguồn nhân lực của địa phương nói riêng và cả nước nói chung…
7 năm về trước, khi Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS lần thứ I (năm 2014), tỷ lệ 26,6% người DTTS tảo hôn được công bố khiến cả nhà quản lý và người làm công tác dân số hết sức bất ngờ. Bất ngờ là bởi tỷ lệ đó quá cao, tồn tại dai dẳng nhiều năm và gây ra nhiều hậu quả trên nhiều góc độ khác nhau.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025". Ngay sau khi Đề án được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Kế hoạch triển khai và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án.
Qua 5 năm (2015-2020) triển khai thực hiện Đề án, bước đầu thu được một số kết quả khá khả quan. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống, đến nay đã giảm 4,7% so với năm 2014 (năm 2014 là 26,6%, năm 2018 là 21,9%; bình quân mỗi năm giảm 0,94%/năm). Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của 53 DTTS là 0,56%, so với tỉ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2014 là 0,65% đã giảm 0,1% (bình quân mỗi năm giảm 0,02%/năm).
Năm 2019, cuộc điều tra lần II được tiến hành. Kết quả công bố thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, Tây Nguyên tuy vẫn tiếp tục có tỉ lệ tảo hôn cao nhất, năm 2018 là 27,5% nhưng cũng đã giảm 2,1% so với năm 2014; tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% (giảm 5,1 % so với năm 2014) và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 22,4% (giảm 3,2% so với năm 2014). Đồng bằng sông Hồng, nơi không có nhiều người DTTS sinh sống (3,3%), là vùng có tỷ lệ người DTTS tảo hôn thấp nhất cả nước năm 2018 (7,8%)...
Nhiều địa phương đã thành lập và triển khai thực hiện mô hình điểm, ở nơi có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao, đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, từ đó có sự thay đổi trong hành vi góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở địa phương.
Các tỉnh đã xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình và các câu lạc bộ lên tới 2.892 mô hình điểm tại 3.481 xã, thôn, bản, buôn. Tổ chức 211.805 cuộc tư vấn, tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 494.838 lượt đồng bào tại các xã thực hiện mô hình điểm. Tổ chức ký cam kết không kết hôn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã thực hiện mô hình điểm.
Tuy nhiên, như Albert Einstein đã từng nói “Phá vỡ một quan niệm khó hơn phá vỡ một nguyên tử”, cho nên đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và đẩy mạnh vấn đề này. Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế bất cập như: Tỉ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm nhưng tuổi kết hôn trung bình của người DTTS tảo hôn còn thấp (năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ).
Bởi vậy, để đạt được kết quả cao hơn, thực chất hơn trong thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025", Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ quyết định tích hợp nội dung của Đề án thành một tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Các mục tiêu cụ thể được đề ra, đó là: Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi vào năm 2025; giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao; đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Diệu Bình, Lê Na, Đỗ Khôi, Ngọc Cương