Giữa tháng 1/2020, Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã được công nhận danh hiệu Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc. Dù nguồn lực và cơ sở vật chất hạn chế, nhưng trung tâm này đã thực hiện đủ và đúng quy trình 6 bước chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ theo quy định của Bộ Y tế và khuyến cáo của WHO, bao gồm trẻ được lau khô kĩ và ủ ấm ngay sau sinh, kẹp dây rốn muộn, da kề da với mẹ đủ 90 phút liên tục và được bú sớm trong vòng 90 phút đầu sau sinh.
Đây là kết quả sau rất nhiều nỗ lực của trung tâm này với định hướng dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, sản phụ hoàn toàn được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhờ mô hình phòng sinh thân thiện. Nỗ lực của Trung tâm Y tế huyện Đông Giang không chỉ có ý nghĩa tăng cường sự cung cấp các dịch vụ sơ sinh thiết yếu, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, mà còn tác động tích cực vào hệ tư tưởng của nhiều phụ nữ DTTS và người thân của họ vốn quen với tập tục sinh con tại nhà.
Anh Phương Briu, người dân tộc Cơ Tu đồng hành cùng vợ trong phòng sinh thân thiện tại Trung tâm Y tế huyện Đông Giang chia sẻ: “Trước kia, tôi thích vợ tôi sinh tại nhà, để bố mẹ, anh chị được ở bên cạnh lúc sinh. Nhưng bây giờ, vợ tôi sinh ở bệnh viện, tôi vẫn được ở bên cạnh động viên vợ. Được chứng kiến giây phút con tôi chào đời an toàn, khỏe mạnh nhờ sự hỗ trợ của các bác sĩ, tôi rất hạnh phúc”.
Trước đây, phụ nữ Cơ Tu ở huyện Đông Giang thường sinh con tại nhà. Trẻ thường được cho uống nước cơm thay sữa, ăn cơm từ quá sớm hoặc mẹ đi làm rẫy sớm nên không thể cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Bác sĩ Nguyễn Thị Quyết, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang cho biết, để thay đổi thói quen đó, các nhân viên y tế đã sử dụng tiếng Cơ Tu để tư vấn, tuyên truyền cho sản phụ về lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ từ khi sản phụ làm hồ sơ sinh và sau sinh mới.
Hồi đầu năm, Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng được công nhận danh hiệu này. Trên 90% trẻ sinh thường và sinh mổ được bú mẹ sớm khi vẫn da kề da trên ngực mẹ trong 90 phút sau sinh.
Các nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy tình trạng sức khoẻ sinh sản (SKSS) của đồng bào các dân tộc thiểu số kém hơn so với mặt bằng chung của quốc gia. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin về hiện trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019, tỷ suất sinh của người DTTS là 2,35 con/phụ nữ.
Mức sinh này cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước là 2,09 con/phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ DTTS mang thai có đến các cơ sở y tế khám thai cũng như sinh con tại các cơ sở y tế chỉ đạt 86,4%.
Nghiên cứu của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho thấy, một trong những rào cản hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của phụ nữ DTTS là do dịch vụ y tế tuyến huyện chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của người bệnh, không đủ để họ vượt qua trở ngại về khoảng cách đi lại và thay đổi quan điểm chỉ cần sinh con tại nhà. Nhiều xã không có cô đỡ thôn bản là người DTTS.
Bên cạnh đó, một số sở thích của phụ nữ DTTS khi sinh con không được thực hiện tại hầu hết các cơ sở y tế như việc được thay đổi tư thế đứng, ngồi khi chuyển dạ hoặc được có người thân ở cạnh trong lúc sinh. So với số liệu quốc gia, phụ nữ DTTS thuộc các hộ nghèo có nguy cơ không tiếp cận tới được các dịch vụ chăm sóc trước sinh cao hơn 3 lần và không được đỡ đẻ bởi nhân viên y tế có chuyên môn cao hơn 6 lần.
Điều đó cho thấy vẫn có sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em giữa các nhóm dân cư có mức độ phát triển kinh tế - xã hội cao và thấp, giữa các nhóm DTTS và đa số, và những người sống ở nông thôn và thành thị.
Văn Hùng, Hoài Thanh, Kiều Oanh, Phùng Thuỷ