Cùng với các ngành, lĩnh vực khác, thời gian qua, ngành Giao thông vận tải trong đó lĩnh vực Đăng kiểm đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số. Tuy vậy, tình trạng quá tải tại các Trung tâm đăng kiểm cũng như những sai phạm của một số đơn vị đăng kiểm được phát hiện những ngày qua, theo các chuyên gia, đã phần nào cho thấy việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng kiểm còn nhiều hạn chế.
Để độc giả có thêm góc nhìn về vấn đề này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm Chính quyền điện tử thuộc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions):
Gần đây, khi câu chuyện đăng kiểm "nóng" lên, nhiều người đặt câu hỏi chuyển đổi số có thể giải bài toán của Đăng kiểm như thế nào?
Đăng kiểm là lĩnh vực quan trọng của giao thông vận tải trong việc kiểm soát chất lượng phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông. Hằng năm, có khoảng gần 5 triệu lượt đăng kiểm tại khắp 63 tỉnh thành. Trong khi đó, xe điện, xe tự lái đang ngày càng phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam đặt ra những yêu cầu mới với công tác kiểm định xe cơ giới.
Từ góc nhìn của chúng tôi, việc ứng dụng các công nghệ, chuyển đổi số sẽ giúp các hoạt động đăng kiểm diễn ra hiệu quả hơn, thời gian và chi phí được tối ưu, đặc biệt là hạn chế các sai sót trong hoạt động kiểm định.
Một số ví dụ điển hình của áp dụng công nghệ trong đăng kiểm có thể điểm ra như: Công nghệ thu thập dữ liệu tự động từ nền tảng Internet vạn vật – IoT để thu thập dữ liệu tự động từ các thiết bị kiểm định giúp cung cấp số liệu minh bạch, chính xác, tránh sai sót chủ quan, khách quan.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI giúp nhận diện, kiểm soát biển số phương tiện đăng kiểm; giúp nhanh chóng tìm kiếm dữ liệu và lịch sử đăng kiểm, các thông tin cần thiết phục vụ đăng kiểm (thuế, phí đăng kiểm, thông tin nộp phạt nếu có).
Hay việc ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn - Big Data và nền tảng khai thác dữ liệu để khai thác hiệu quả dữ liệu lớn, giúp chẩn đoán, phát hiện các lỗi hệ thống trên phương tiện, từ đó ngăn chặn các rủi ro, thậm chí yêu cầu các hãng xe chủ động thu hồi để khắc phục.
Hiện nay, Viettel đang phối hợp với ngành Đăng kiểm triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức 4. Trong đó, bước đầu sẽ chuyển đổi số các dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian, thủ tục.
Với tình huống các trung tâm đăng kiểm bị quá tải, theo ông công nghệ có thể hỗ trợ cụ thể những gì thưa ông?
Các Trung tâm đăng kiểm bị quá tải do nhiều nguyên nhân như một số Trung tâm đóng cửa, một số phương tiện đã cũ và đã cải tạo hoặc “độ” không đảm bảo các tiêu chí đăng kiểm hoặc các phương tiện cơ giới tập trung đăng kiểm trong 1 khoảng thời gian ngắn dịp sát Tết. Ngoài ra, theo 1 báo cáo chuyên ngành, thời gian để 1 xe đăng kiểm trung bình trong điều kiện thông thường là 40 phút, trong đó thời gian thực sự kiểm định chỉ là 10 phút (25% tổng thời gian), 30 phút còn lại (75% tổng thời gian) là thời gian làm các thủ tục đăng ký, nộp phí và lệ phí, tra cứu phạt nguội.
Với thực trạng trên, bên cạnh việc các Trung tâm đăng kiểm liên tục cải thiện năng lực và các giải pháp quản lý nhà nước từ Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam, theo chúng tôi, công nghệ có thể hỗ trợ trong việc cung cấp công cụ quản lý và đặt lịch đăng kiểm, giúp người dân biết được vị trí, năng lực kiểm định, khả năng đáp ứng của các Trung tâm đăng kiểm để đăng ký lịch phù hợp. Công cụ này còn cho phép kiểm tra trước các thủ tục cần thiết và cho phép người dân thực hiện trước những thủ tục này. Ví dụ, kiểm tra có nợ phí cầu đường, phí nộp phạt nguội không và đóng phí trực tuyến trước khi đến Trung tâm đăng kiểm.
Cùng với đó, có thể ứng dụng AI vào phân tích dữ liệu đăng kiểm trước đó từ tập dữ liệu của 5 triệu phương tiện để dự đoán và cảnh báo cho chủ phương tiện kiểm tra sơ bộ trước các vấn đề của phương tiện để xử lý trước khi đi đăng kiểm, từ đó giảm tải cho các Trung tâm đăng kiểm.
Các công cụ công nghệ này có thể được cung cấp rất nhanh chóng. Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể kết hợp các công ty công nghệ đưa ra ứng dụng sớm để tối ưu quá trình đăng kiểm.
Vậy để giám sát tốt hơn, giảm thiểu các vụ sai phạm trong hoạt động đăng kiểm, công nghệ số có thể tham gia thế nào?
Hiện Viettel Solutions đã có các giải pháp thông minh giám sát toàn bộ quá trình đăng kiểm từ khi phương tiện cơ giới vào dây chuyền kiểm định tới lúc phương tiện được cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm và kết thúc quá trình đăng kiểm tại các Trung tâm.
Trong quá trình đó, phương tiện được giám sát bằng phân tích hình ảnh và ứng dụng blockchain trong quản lý thông số đo đạc từ thiết bị trong dây chuyền đăng kiểm; ứng dụng công nghệ IoT kết nối thiết bị đăng kiểm với phần mềm đăng kiểm để tự động hóa nhiều công đoạn; dữ liệu được quản lý theo thời gian thực.
Ngoài ra, có thể ứng dụng đăng kiểm điện tử và ký số kết quả đăng kiểm để xác thực và lưu vết quá trình cấp chứng nhận. Các công nghệ này giám sát được toàn bộ quá trình đăng kiểm, giúp rút ngắn được thời gian đăng kiểm đăng kiểm cho mỗi phương tiện.
Về dài hạn, ngành Đăng kiểm cần lưu ý gì để chuyển đổi số thành công, thưa ông?
Để chuyển đổi số thành công cho lĩnh vực Đăng kiểm, đòi hỏi các nhà lãnh đạo ngành cần quyết tâm chuyển đổi theo chiến lược và phù hợp với chương trình, mục tiêu của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đề ra. Việc chọn giải pháp công nghệ tiên tiến và phù hợp cần phải kết hợp đồng thời với công tác thay đổi nhận thức của cán bộ nhân viên về ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi số, phá vỡ cách làm cũ lạc hậu, tiếp nhận và thích nghi với cách làm mới trong các nghiệp vụ. Đặc biệt, công cuộc này cần thực hiện triệt để, sâu sắc từng khía cạnh của vấn đề cốt lõi, nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới khách hàng là các chủ phương tiện.
Xin cảm ơn ông!
Vân Anh (Thực hiện)