Khi sử dụng dịch vụ y tế truyền thống, người dùng sẽ phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc trong việc đi lại, chờ đợi, xếp hàng… để được gặp bác sỹ khám bệnh hay tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sức khỏe.
Không những thế, tình trạng quá tải tại các bệnh viện khiến người dân luôn có tâm lý lo ngại khi đi khám bệnh, hoặc khi họ quyết định tìm đến bệnh viện thì cũng là lúc bệnh đã diễn biến rất trầm trọng.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và tương lai của người dân Việt Nam, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ là hai đối tượng cần các dịch vụ chăm sóc y tế.
Chính vì thế, thời gian gần đây, các hãng công nghệ đã chuyển hướng sang tấn công lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với hy vọng ứng dụng sức mạnh của công nghệ vào lĩnh vực này để vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người dùng, vừa phổ cập được kiến thức y tế và giảm tỉ lệ tử vong nhờ được sơ cứu kịp thời.
Theo Korea Times, đại gia công nghệ Hàn Quốc Samsung đang nhắm tới mục tiêu đạt 10 ngàn tỉ won ( 9,2 tỉ USD) lợi nhuận trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vào năm 2020, thông qua việc xây dựng một hệ sinh thái để liên kết lĩnh vực này với các sản phẩm, dịch vụ mà hãng đang cung cấp. Hãng này cũng đang tích cực đang tìm kiếm đối tác phát triển nhằm đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe công nghệ cao vào các thiết bị wearables (thiết bị đeo mặc).
Một số dịch vụ tại Việt Nam đã được Samsung lựa chọn "kết nạp" vào hệ sinh thái này, chẳng hạn như eDoctor, một dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa mới ra mắt hồi năm ngoái. Nền tảng công nghệ của dịch vụ này bao gồm tổng đài chăm sóc sức khỏe, website, mobile app và các thiết bị wearables, do đó khi sử dụng dịch vụ, người dùng có thể gọi đến tổng đài để được bác sĩ giải đáp các thắc mắc về dinh dưỡng, sức khỏe, tâm lý, hướng dẫn sơ cứu kịp thời các trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, các dịch vụ này cũng sẽ giúp giảm tải áp lực tại các bệnh viện công khi các vấn đề sức khỏe có thể tự giải quyết tại nhà. Nếu mô hình này được nhân rộng, vấn đề quá tải tại các bệnh viện sẽ được giải quyết hiệu quả.
P.L