Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, đến tháng 10 năm 2023, cả nước có tổng số tàu cá với chiều dài từ 6 mét trở lên khoảng 83.427 tàu. Số tàu đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFisbase là 72.217 chiếc, trong đó 29.341 chiếc có chiều dài từ 15 mét trở lên. Hiện còn khoảng 11.210 tàu chưa đăng ký, cập nhật trên VNFisbase, giảm 3.393 chiếc so với tháng 12/2022 do hư hỏng, không còn tồn tại trên thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, tổng số hạn ngạch đã xác định và công bố là 84.125 giấy phép.
Năm 2023, Bộ NN&PTNT đã tổng hợp và công bố 76 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển. Trong đó, 19 khu neo đậu cấp vùng; 57 khu neo đậu cấp tỉnh; với sức chứa khoảng 50.000 tàu cá. So với chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt trong Quyết định 1976 ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì số khu neo đậu xây dựng mới đạt 56,85%, công suất neo đậu tàu thuyền mới đạt 52,56% quy hoạch và 53,48% tổng số tàu cá. Đối với số khu neo đậu tránh trú bão công bố mới đạt 48,63% quy hoạch, công suất các khu neo đậu mới đạt 43% quy hoạch và 43,76% tổng số tàu cá của cả nước.
Dù số lượng tàu khai thác thủy sản đã giảm rõ rệt theo định hướng phát triển; cơ sở hạ tầng bước đầu được quan tâm đầu tư khi hàng loạt dự án đầu tư công trung hạn cho cảng cá, khu neo đậu được phê duyệt, khởi công năm 2023. Việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, cũng như sản lượng thủy sản qua cảng và thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU đã có tiến bộ, đi vào nề nếp… Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Quy mô, công suất các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch.
Trước những khó khăn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Cục Thủy sản đã đưa ra nhiều giải pháp cả trước mắt và dài hạn. Trước hết, ngành thủy sản tăng cường điều tra biến động nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, đặc biệt là vùng ven bờ để phục vụ việc xác định hạn ngạch giấy phép khai thác của các địa phương. Cùng với đó, nâng cao độ chính xác của bản tin dự báo ngư trường; đổi mới phương thức phát hành, cung cấp các bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản để ngư dân tiếp cận, biết và sử dụng trong sản xuất. Theo dõi và nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản nhằm chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả. Ðồng thời, phối hợp các đơn vị nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác, nâng cao giá trị sản phẩm.
Mặt khác, ngành thủy sản tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan khai thác thủy sản cho ngư dân; hướng dẫn việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác; tăng cường công tác quản lý tàu cá, quản lý ngư trường nguồn lợi trên địa bàn, rà soát xóa đăng ký đối với tàu đã bị mất tích, mục nát không còn khả năng khắc phục...
Theo Bộ NN&PTNT, để đạt được mục tiêu trước mắt và lâu dài cho ngành khai thác thủy sản, việc giảm số lượng tàu cá cần có lộ trình, giảm số lượng tàu cá nhưng sẽ chú trọng chất lượng đội ngũ ngư dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác cơ cấu lại đội tàu, cơ cấu nghề, tăng nuôi trồng và tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế thay thế để nâng cao đời sống ngư dân.
Muốn quản lý tốt đội tàu phải rà soát, nắm chắc số lượng tàu cá đang hoạt động, trong đó có giải pháp xử lý nghiêm tàu cá 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép khai thác hải sản) tham gia hoạt động khai thác trên biển.
Trong giai đoạn phát triển mới, để đưa nghề cá phát triển hiện đại, bền vững thì phát triển hạ tầng cảng cá là nhiệm vụ cốt lõi.