Lãnh đạo Bộ VHTT&DL mới đây đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ khi thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước cần tăng cường hiệu quả quản lý.
Bộ VHTT&DL yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chính trị quan trọng để thường xuyên đôn đốc thực hiện (Ảnh minh họa: Congthuong.vn) |
Cụ thể, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTT&DL được yêu cầu phải tăng cường kỷ luật, đề cao vai trò dẫn dắt chuyển đổi số của người đứng đầu; xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chính trị quan trọng để thường xuyên đôn đốc thực hiện.
Công tác đầu tư, mua sắm trong các kế hoạch ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cần theo nguyên tắc: Có người làm, có người giám sát độc lập, kiểm tra kịp thời từ khâu lúc kế hoạch, phê duyệt chủ trương, lập dự toán đến các khâu thực hiện đầu tư, mua sắm và khâu quyết toán.
Dự toán phải được tính đúng, tính đủ, đúng quy định, định mức và đơn giá của nhà nước, phù hợp với thị trường, tham khảo giá và công bố giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ các quy trình lựa chọn nhà thầu đảm bảo cạnh tranh, minh bạch; sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn có chất lượng tốt nhất với giá cả phù hợp nhất.
Bộ VHTT&DL cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ rà soát, tháo gỡ theo thầm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc, các điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước cho CNTT, chuyển đổi số.
Tăng cường dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, đồng bộ, chia sẻ, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ quan; tránh đầu tư dàn trải, chồng chéo. Hệ thống CNTT phải bảo đảm các yêu cầu an toàn thông tin theo cấp độ, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật đã được ban hành.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTT&DL cần nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định các nhiệm vụ, chương trình, dự án CNTT và chuyển đổi số. Trong đó, xác định rõ giải pháp kỹ thuật, công nghệ đáp ứng được nhu cầu, phù hợp với quy mô, tính chất, đảm bảo sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn là các sản phẩm, dịch vụ tốt ở thời điểm lựa chọn.
Xác định rõ hiệu quả đầu tư, hiệu quả đầu tư cần đo lường, định lượng được: Tùy theo quy mô và tính chất dự án, có thể sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu; hoặc phân tích chi phí – lợi ích, xác định được khả năng tiết kiệm được nhờ đầu tư, trước khi quyết định đầu tư.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự tham gia của các cơ quan, đơn vị chuyên trách CNTT vào khâu giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư CNTT, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước thông qua các mô hình như tổ, ban giám sát đầu tư.
Với vai trò là Bộ được Chính phủ giao quản lý đầu tư trong lĩnh vực CNTT của cả nước, là cơ quan dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, ngày 28/2, Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường hiệu quả quản lý, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước. Việc này nhằm mục đích tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật và hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước cho CNTT, chuyển đổi số bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, khoa học, phòng tránh sớm các rủi ro, sai phạm, tiêu cực.
Trong khuôn khổ khóa bồi dưỡng, tập huấn cho lãnh đạo đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành, địa phương vào ngày 6/4, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã nhấn mạnh quản lý hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước là một việc quan trọng nhất với các cơ quan, đơn vị khi tiến hành chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tại bộ, tỉnh: “Bộ TT&TT đề nghị các đơn vị chuyên trách CNTT tập trung vào nhiệm vụ này, tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc tăng cường quản lý đầu tư, bảo đảm hiệu quả ứng dụng CNTT, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước”.
Theo Thứ trưởng, chúng ta đẩy mạnh chuyển đổi số thì đồng nghĩa với việc tăng cường chi phí cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Do vậy, nếu không cẩn thận, có thể sẽ xảy ra những “tai nạn” không mong muốn. Khi chi cho chuyển đổi số, để đảm bảo hiệu quả, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện “5 đúng”: Đúng bài toán - Mọi nhiệm vụ đều yêu cầu phải có thuyết minh rõ ràng về hiệu quả đầu tư và hiệu quả mang lại phải lớn hơn chi phí bỏ ra; Đúng người – Xác định đúng người tư vấn, chọn đúng người triển khai, người thẩm định, giám sát và phải theo nguyên tắc người làm có người thẩm định, người làm có người kiểm tra, giám sát; Đúng sản phẩm – Xác định đúng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật, đảm bảo an toàn, an ninh mạng ngay từ khi bắt đầu bài toán; Đúng giá – Xác định đúng giá sản phẩm, dịch vụ đầu tư, thuê; Đúng quy trình – Thực hiện đúng quy trình về phê duyệt chủ trương, lập dự toán, đấu thầu, nghiệm thu, đưa vào sử dụng theo quy định pháp luật.
Vân Anh
Đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên mạng qua phổ cập nền tảng số Việt Nam
Bộ TT&TT vừa đề nghị các bộ, tỉnh tập trung thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022 với định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số và triển khai 22 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.