Thực hiện Kế hoạch số 238/KH-MTTQ-BTT ngày 30/3/2023 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế  về giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2023, công tác giám sát Chương trình được triển khai  tại UBND huyện Nam Đông và UBND 02 xã Hương Hữu, Thượng Long.

Qua giám sát cho thấy các đơn vị đã ban hành 18 văn bản về hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình với những nội dung cụ thể như: quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ chế huy động các nguồn lực khác; quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.

Năm 2022, 2023, huyện Nam Đông được giao vốn đầu tư phát triển là 47.756 triệu đồng, đã giải ngân được 20.628 triệu đồng đạt 43,19%; vốn sự nghiệp là 18.294 triệu đồng, đã giải ngân 701 triệu đồng đạt 3,83%. Xã Thượng Long triến khai dự án xây dựng Trường mầm non Thượng Long: với tổng mức đầu tư là 3421 triệu đồng; Đường dân sinh thôn 5 với tổng mức đầu tư là 2.102 triệu đồng; Nâng cấp, mở rộng đường trục thôn 7 xã Thượng Long với tổng mức đầu tư là 2600 triệu đồng. Xã Hương Hữu triến khai dự án xây dựng đường sản xuất liên thôn cấp phối, bê tông với tổng mức đầu tư: 4546 triệu đồng; Trường Tiểu học Hương Hữu với tổng mức đầu tư là 2933 triệu đồng.

W-hocsinhvungdtts.png
Trường tiểu học ở vùng đồng bào DTTS được đầu tư khang trang

Qua giám sát cho thấy, các đơn vị được giám sát đã có nhiều cố gắng trong công tác triển khai thực hiện Chương trình. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện và đồng bộ; việc triển khai rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng các dự án thuộc Chương trình được tiến hành đảm bảo, đúng quy định; cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển; các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường từng bước được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao cả vật chất lẫn tinh thần; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi toàn huyện tăng khá (năm 2021: 38,2 triệu đồng, năm 2022: 40,9 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; tỷ lệ người dân tham gia BHYT, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nước hợp vệ sinh tăng cao…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình còn gặp một số những khó khăn nhất định như về hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1, việc lập hồ sơ, thẩm định và phê duyệt dự án theo Luật Đầu tư công cũng như cơ chế tổ chức thi công, nghiệm thu, thanh toán kinh phí cho các hộ dân đang gặp nhiều vướng mắc trong việc triển khai; về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững đối với Dự án 3, tiểu dự án 1, hạng mục hỗ trợ chủ yếu tập trung đến lĩnh vực lâm nghiệp, đối tượng hưởng lợi là các hộ thuộc các xã khu vực II và III nên dẫn đến việc khó giải ngân vốn; một số văn bản, thông tư hướng dẫn của Trung ương còn bất cập, thiếu tính đồng bộ, thống nhất. Việc chậm sửa đổi, ban hành một số văn bản khiến công tác hỗ trợ cho các đối tượng thuộc chính sách gặp khó khăn, thiếu kịp thời. Từ đó khiến các cơ quan có liên quan ở cấp huyện, cấp xã chậm trong việc triển khai các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình.Trong thời gian tới, MTTQ các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế cần phối hợp với các ngành chức năng tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau để phát huy hơn nữa vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc triển khai thực hiện Chương trình.

Kim Chi và nhóm PV, BTV