Các vùng biển của Quảng Ninh đều chịu ảnh hưởng từ các hoạt động xây dựng đô thị ven bờ, nước thải, rác thải từ hoạt động dân cư, xây dựng gây ô nhiễm cục bộ biển..

Ngoài ra, mật độ, cường độ hoạt động, số lượng khách du lịch ngày càng tăng dẫn tới sự gia tăng lượng chất thải, rác thải từ dịch vụ du lịch, gây ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái của điểm tham quan trên biển, gây đục dòng chảy, tăng lượng chất thải trên biển.

Biển Quảng Ninh còn là nơi xả của nước thải các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, mỏ than, hoạt động kinh doanh xăng dầu. Dù có hệ thống xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

quang ninh.jpg
Tuyên truyền cho khách du lịch về bảo vệ môi trường biển.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã có sự quan tâm, đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường biển, đặc biệt tại vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Cô Tô. Từ đó có những kết quả đáng khích lệ, người dân, khách du lịch đã có hành động thay đổi, bảo vệ môi trường biển. 

Tại địa phương có biển, đảo trong tỉnh chủ động bảo vệ môi trường biển. Nhiều hoạt động thu gom, nhặt rác, hạn chế rác thải nhựa đã được tổ chức. Khu du lịch, nhà hàng, khách sạn đều đảm bảo xử lý chất thải lỏng, chất thải rắn theo quy định, không xả thải ra biển.

Đảm bảo 100% tàu du lịch trên vịnh Hạ Long được áp dụng công nghệ hiện đại trong giám sát hành trình hoạt động, quản lý việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại các điểm tham quan, tàu du lịch và các cơ sở hoạt động dịch vụ du lịch trong vùng lõi di sản.

Đến nay, chất thải tại các điểm tham quan và tàu du lịch được thu gom, xử lý triệt để. Tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại các luồng, tuyến, khu vực tổ chức dịch vụ, bãi triều, bãi cát, chân đảo trên các vịnh.

Tổ chức ký cam kết với các chủ tàu du lịch, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ tại cảng tàu du lịch và trên vịnh Hạ Long không sử dụng và bán các sản phẩm từ nhựa dùng một lần. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có công trình nổi trên vịnh Hạ Long thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi bền vững.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực tập phương án phòng chống thiên tai, cháy nổ và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, ứng phó sự cố tràn dầu, tại điểm tham quan và diễn tập phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn tại các khu vực kinh doanh dịch vụ du lịch biển.

Hằng năm, các đơn vị liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra định kỳ để kịp thời phát hiện, khắc phục những vấn đề còn tồn tại và bổ sung trang thiết bị cho công tác phòng chống ô nhiễm môi trường, ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. 

Tổ chức giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên ngành, lĩnh vực các hoạt động kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ môi trường trên biển và kịp thời xử lý các vi phạm. Từ năm 2017 đến nay đã xử lý 15 vụ vi phạm quy định về bảo vệ cảnh quan môi trường. Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường quan trắc định kỳ 04 lần/năm chất lượng môi trường nước vịnh Hạ Long tại 43 điểm quan trắc trên vịnh.

Từ nay tới năm 2025, Quảng Ninh sẽ tăng cường việc lắp đặt hệ thống giám sát hành trình (AIS) trong giám sát tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, vé điện tử cho du khách. Lắp đặt camera giám sát và hệ thống truyền tải dữ liệu WLAN trong kiểm soát vé, khách tham quan. Ứng dụng công nghệ số, số hóa dữ liệu... trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long.

Tổ chức kiểm tra, sát hạch định kỳ, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Di sản về các lĩnh vực chuyên ngành địa chất, sinh học, văn hóa, quản lý môi trường. Đặc biệt, lồng ghép công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường biển trong các chương trình, hoạt động du lịch trên địa bàn. 

Xuân Quý và nhóm PV, BTV