- Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền lưu ý đừng giám sát kiểu chỉ nghe, không đi thực tiễn, không đối chất, chỉ nghe báo cáo thôi rồi về ra kết luận, tại phiên thảo luận tổ sáng nay về dự thảo luật Hoạt động giám sát của QH.

Tại tổ Quảng Trị, ĐB Lê Như Tiến kể câu chuyện cũ của một ĐBQH Hà Nội khóa 12 khi đi giám sát tại một huyện của Hà Nội đã bị chính quyền địa phương tạm giữ vì cho rằng, chưa bao giờ 1 cá nhân ĐBQH tự đi giám sát. Tình thế xảy ra khiến ĐBQH "vừa mất uy tín, vừa không có hiệu quả".

Xới lại chuyện cũ, ông đặt vấn đề cần quy định rõ hơn điều kiện, cơ chế để ĐBQH có thể tự mình giám sát khi thấy cần thiết.

{keywords}
ĐB Lê Như Tiến. Ảnh: Minh Thăng

"Luật đã quy định nhưng tư cách pháp nhân ra sao, điều kiện bảo đảm như thế nào... vẫn chưa được đề cập" - ông phát biểu.

Ông Tiến cho rằng, nếu ĐBQH tự đi giám sát rất tốt, vì chính là phát huy tính năng động và trách nhiệm của ĐBQH, nhờ đó không cần lập đoàn cồng kềnh. Khi cần thiết, ĐB sẽ có báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, cần thiết sẽ lập đoàn giám sát.

Trong khi đó lại có "nghịch cảnh" giám sát ở địa phương quá nhiều, đoàn này vừa đi, đoàn kia lại đến khiến nhiều địa phương phản ứng, gây quá tải, tốn kém đối với cả các ủy ban QH và các địa phương.

“Theo tôi, tổ chức nhiều phiên giải trình của UB thì hiệu quả hơn nhiều. Các đoàn ĐBQH chỉ nên tập trung giám sát những vấn đề nóng, lớn, bức xúc mà cử tri nêu ra của địa phương mình”, ông Tiến nêu quan điểm.

Vấn đề nữa là nhiều chuyên đề QH giám sát xong, đưa ra kiến nghị, kiến nghị rồi có thực hiện hay không cũng không thấy phản hồi. Trong luật cũng không quy định đoàn giám sát có hậu giám sát, hoặc có kiến nghị ở cấp nào để có chế tài nếu như đối tượng giám sát không thực hiện kiến nghị của đoàn giám sát.

Ông Tiến cho rằng, tình trạng này không chỉ xảy ra ở giám sát của Hội đồng Dân tộc, các UB hay đoàn ĐBQH mà kể cả giám sát tối cao của QH cũng có nhiều kiến nghị không được thực hiện, chậm thực hiện nhưng cũng chưa có chế tài để xử lý. Do vậy cần phải xác định rõ hơn thời hạn chịu sự giám sát.

Làm rõ trách nhiệm

Tại tổ Hà Nội, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh giám sát mà không làm rõ trách nhiệm thì coi như thất bại. Chỉ khi làm rõ trách nhiệm mới là tiêu chí để đánh giá hiệu quả.

{keywords}

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền: Giám sát mà không làm rõ trách nhiệm thì coi như thất bại

“Giám sát đừng có 'tráng men'. Chúng ta chỉ nghe, không đi thực tiễn, không đối chất, chỉ nghe báo cáo thôi rồi về ra kết luận. Tôi bảo các anh kết luận rất chuẩn mà ngày mai người ta bắt một ai đó thì... chết. Nên trách nhiệm của việc ra kết luận giám sát kể cả của QH, các UB QH phải hết sức được đề cao”, ông Quyền nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị có chế tài trong trường hợp kiến nghị của các đối tượng khi giám sát mà không thực hiện, không giải trình thì các đối tượng đó phải xem xét về trách nhiệm, có thể là cách chức, bãi nhiệm.

ĐB Nguyễn Văn Danh (Tiền Giang) nêu thực tế, nhiều kiến nghị qua giám sát rất đúng nhưng chậm khắc phục và không khắc phục nhưng chưa có giải pháp gì để xử lý mạnh.

ĐB cũng băn khoăn về khoản 3 điều 9 quy định đối tượng chịu sự giám sát có quyền từ chối trả lời, cung cấp thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. 

Ông Danh đề nghị cần quy định cụ thể để tránh tình trạng đối tượng chịu sự giám sát từ chối trả lời, cung cấp thông tin với lý do thông tin đó thuộc bí mật nhà nước, gây khó khăn, cản trở việc giám sát. Vì trong thực trong thực tế không phải không có việc này.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng nội dung này chưa hợp lý, cần phải cân nhắc. Từ thực tế tại các kỳ họp của QH có nhiều loại văn bản đánh dấu mật.

T.Hạnh -T.Hằng - H.Nhì - Ảnh: L.A.Dũng