Ngày 30/10/2017, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn về việc hoàn thành kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản tới 21 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (bộ, ngành) và 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (địa phương).
Các bộ, ngành được Văn phòng Chính phủ gửi công văn gồm có TT&TT, LĐTB&XH, NN&PTNT, KH&CN, Giao thông Vận tải, TN&MT, Tư pháp, Tài chính, Ngoại giao, KH&ĐT, Nội vụ, GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Những địa phương Văn phòng Chính phủ mới gửi công văn bao gồm: Cần Thơ, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Bắc Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Đắk Nông, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cà Mau, Bình Dương, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Lai Châu, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Nam Định, Cao Bằng, Hưng Yên, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Kon Tum, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bạc Liêu và Hậu Giang.
Văn phòng Chính phủ cho biết, triển khai nhiệm vụ tại Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, thời gian qua, cơ quan này đã phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bộ, ngành, địa phương) kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản qua hệ thống liên thông trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Nhà nước. Việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương đã từng bước ổn định.
Để hoàn thiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa các cơ quan hành chính các cấp, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện một số nội dung công việc, với thời hạn hoàn thành là trước ngày 31/12/2017.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thống nhất việc sử dụng sổ đăng ký công văn đi - đến trên trục liên thông văn bản và các mẫu biểu báo cáo liên quan để tổng hợp, thống kê các chỉ tiêu báo cáo phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp (theo phụ lục 1, 2 kèm theo công văn 4089 ngày 21/4/2017 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống liên thông).
Đồng thời, phối hợp giám sát, đánh giá an toàn thông tin hệ thống liên thông văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và đơn vị mình; xác định cấp độ an toàn thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, các đơn vị liên quan triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trên hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc để bảo đảm các văn bản điện tử (dưới định dạng chuẩn file pdf, chuẩn file Office Open XML) gửi lên trục liên thông được ký số, cấp dấu thời gian sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai trục liên thông văn bản trong nội bộ đơn vị, kết nối với trục liên thông quốc gia phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử các cấp hành chính.
Các UBND các tỉnh, thành phố được đề nghị hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông đảm bảo hình thành hệ thống liên thông 4 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn.
Liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương với hệ thống của Văn phòng Chính phủ, trong báo cáo quý III/2017 về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ cho hay, đến trung tuần 9/2017, đã có 26/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan.
Cũng theo Văn phòng Chính phủ, là đơn vị chủ quản hệ thống quản lý văn bản 4 cấp chính quyền, cơ quan này đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện nhiệm vụ kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản. Và để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống, việc trao đổi văn bản điện tử trong hệ thống sẽ phải áp dụng chữ ký số.
Văn phòng Chính phủ cũng đang tổ chức xây dựng và hoàn thiện quy chế gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản 4 cấp chính quyền trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; đồng thời hoàn thiện dự thảo Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV năm nay.
Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành ngày 14/10/2015. Nghị quyết này hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.