Trạm Tấu là một trong 63 huyện nghèo của cả nước. Người dân tộc sinh sống chiếm 94% dân số. Trình độ dân trí của bà con nơi đây còn nhiều hạn chế, đa phần họ làm nông nghiệp truyền thống theo hướng tự cung tự cấp. Tỷ lệ hộ nghèo của Trạm Tấu chiếm tới 62%.
Trong những năm qua, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ huyện Trạm Tấu và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Trạm Tấu đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu. Trong đó, nhiệm vụ bảo đảm các chính sách an sinh xã hội góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm an ninh chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được ưu tiên.
Để đảm bảo người dân trong huyện được thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản trong đó có thông tin tuyên truyền, huyện Trạm Tấu đã tận dụng hỗ trợ từ ngân sách và các tổ chức chính trị xã hội, các nhà hảo tâm tặng các thiết bị nghe nhìn cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, các trường học còn thiếu thốn.
Huyện cũng chú trọng thông tin tuyên truyền tới người dân qua các hình thức khác nhau như xây dựng các bản tin trên cổng thông tin điện tử của huyện, tiếp sóng các chương trình phát thanh của trung ương, tỉnh.
Anh Giàng A Cua (dân tộc Mông, SN 1993, tại bản Tà Xùa, Trạm Tấu, Yên Bái) đã thay đổi tư duy nhờ được thông tin kịp thời. Gia đình anh Cua chỉ sinh hai con. Dù là con gái nhưng họ vẫn không sinh thêm con thứ ba.
Anh Cua cho biết, hằng ngày anh đều nghe các thông tin trên dài truyền thanh của thôn thông báo về chính sách sinh đẻ kế hoạch hóa gia đình, chỉ đẻ 2 con để nuôi dạy con cho tốt. Vợ chồng anh Cua cũng xác định đẻ ít con, tập trung làm kinh tế gia đình.
Anh Giàng A Thanh (Dân tộc Mông, trú tại Tà Xùa, Trạm Tấu, Yên Bái) cũng tương tự như vậy. 10 năm trước, bản thân anh và gia đình chưa được tiếp cận với Internet, mạng xã hội cũng như các thông tin chính thống.
Từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ tivi, được lắp đặt thêm mạng internet để cập nhật tin tức hàng ngày, anh Thanh đã tự mình may mò phát triển bản thân trên mạng xã hội, quảng bá hình ảnh quê hương Trạm Tấu, phát triển du lịch mạo hiểm.
Tiếp cận với thông tin về đào tạo nghề cho người dân tộc, anh đã mạnh dạn tham gia khóa học hướng dẫn viên du lịch cộng đồng tại thành phố Yên Bái.
Kiếm được tiền từ chính sức lao động của mình, vợ chồng anh Thanh tự xây nhà, cho con cái đến trường. Đời sống gia đình ấm no hạnh phúc.
Những đồng bào Mông ở bản Tà Xùa như anh Cua, anh Thanh nhờ được thụ hưởng, lĩnh hội các thông tin hằng ngày họ đã từng ngày thay đổi, làm mới chính mình.
Không chỉ phát triển kinh tế cho chính gia đình, thông qua hệ thống nền tảng mạng xã hội, anh Thanh cùng với bạn bè trong bản Tà Xùa đã tích cực quảng bá hình ảnh quê hương tới du khách cả nước.
Trong công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Trạm Tấu đã tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, giúp bà con tiếp cận các gói hỗ trợ trong phát triển kinh tế, tạo sinh kế, đào tạo nghề, gắn các hoạt động phát triển kinh tế xã hội với tuyên truyền về chính sách giảm nghèo, giáo dục người dân ý thức tự thoát nghèo. Đến hết năm 2022, đã có 424 hộ thoát nghèo, đạt trên 106% kế hoạch đề ra.
Năm 2023, Trạm Tấu phấn đấu tỷ lệ giảm nghèo đa chiều đạt trên 8%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 49,87%, tỷ lệ hộ cận nghèo sẽ còn 6,26%.
Để phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, ứng dụng số gắn với đảm bảo công tác giảm nghèo về thông tin góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời mang lại lợi ích cho người dân, huyện Trạm Tấu đã ký kết hợp tác với đơn vị viễn thông góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.