Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Tuyên Quang có 121/138 xã được phê duyệt vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Trong đó có 570 thôn bản đặc biệt khó khăn. Các cấp ngành trong địa phương đã xây dựng các giải pháp triển khai công tác xóa đói giảm nghèo cho vùng khó khăn.
Trong đó, công tác tuyên truyền tới đồng bào được đặc biệt quan tâm. Từ đó, người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đồng bào dân tộc thiểu số trong địa bàn tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, đường lối đổi mới của Đảng, điều hành của Nhà nước. Đời sống vật chất tinh thần của người dân đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.
Người dân tiếp cận tới các thông tin về chính sách giảm nghèo gắn với thực hiện Chương trình nông thôn mới. Từ đó, người dân đã đồng lòng tham gia phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào các mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại Tuyên Quang chỉ còn 32%.
Ngoài xây dựng hạ tầng giao thông, tỉnh Tuyên Quang cũng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông, hạ tầng truyền thanh thông minh.
Bà Lý Thị Hòe (trú tại xã Trường Sinh, Sơn Dương, Tuyên Quang) cho biết, hiện nay dịch bệnh, thời tiết thất thường những thông tin về biến đổi khí hậu, cải cách thủ tục hành chính trên loa phát thanh của xã đã được bà nghe hằng ngày.
Vừa làm việc nhà, bà Hòe có thể nghe thông tin. Không chỉ thông tin từ địa phương, các thông tin từ Trung ương tới tỉnh Tuyên Quang đều được bà Hòe cập nhật.
Cách đây hơn 1 năm, bà Hòe có nghe thông tin hỗ trợ vay vốn từ đài truyền thanh xã cho các hộ gia đình khó khăn. Bà đã vay tiền cho con trai làm kinh tế.
Ngoài ra, các thông tin về thị trường lao động cũng được nhiều người dân đón nhận. Nhờ đó các lao động trẻ đã mạnh dạn đi làm tại các thị trường lao động khác trong và ngoài tỉnh.
Có thể nói, thông tin đã giúp bà con tạo được sinh kế mới, phát triển kinh tế, đời sống vật chất và gia đình.
Ông Lục Văn Lập (xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) và các hộ gia đình trong thôn hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng miền quê đáng sống.
Ông Lập cho biết nắm được các thông tin về Chương trịnh mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới từ các thông tin của Đài Truyền hình và Phát thanh tỉnh, hệ thống thông tin từ huyện, tới xã, ông và những người dân tại đây đã góp ngày công lao động, tận dụng các nguồn vốn từ nhà nước xây dựng hệ thống giao thông thôn bản, giao thông nội đồng.
Có thể nói, việc “xóa đói” thông tin là một trong những chân kiềng tạo đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Từ đó, các phong trào thi đua sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo được phát huy tích cực.
Ngoài thông tin, việc tiếp cận với các hệ thống viễn thông 3G, 4G cũng giúp người dân chia sẻ thông tin với nhau, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản mình làm ra.
Với dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền đã góp phần tích cực thay đổi nhận thức của người dân trong xã Minh Hương để đồng bào vươn lên thoát nghèo, xây dựng xã Minh Hương trở thành xã đạt chẩn nông thôn mới.
Theo ông Tạ Đức Bằng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, hệ thống truyền thanh ở cơ sở luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tuyên truyền, phản ánh kịp thời các sự kiện thời sự chính trị nổi bật diễn ra trên địa bàn.
Truyền thanh cơ sở đóng góp tích cực vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tuyên truyền phổ biến kiến thức phát luật, đảm bảo an ninh trật tự.
Ngoài ra, truyền thanh cũng thường xuyên truyền thông các mô hình làm kinh tế giới, các phong trào văn hóa, thi đua yêu nước từ đó cổ vũ các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.
Nói về thành tích của truyền thông cơ sở, ông Bằng cho biết trong đại dịch Covid-19, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới người dân đã lĩnh hội được nhiều thông tin hữu ích.
Nhằm phát huy hiệu quả công tác “giảm nghèo thông tin”cho người dân vùng khó khăn, trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang sẽ phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức văn hóa xã, những người trực tiếp sản xuất, tiếp sóng các chương trình truyền thanh.