- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng công tác xóa đói giảm nghèo thời gian tới muốn đa chiều và bền vững hơn cần dựa vào cộng đồng, chứ ngân sách nhà nước không thể gánh hết.
>>
Làm sao để người nghèo tránh 'bẫy nghèo' vì ốm đau
>>
'Nghèo mà lười lao động không nên được hỗ trợ'
>>
Không thất thoát, tham nhũng tiền giảm nghèo
Báo cáo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo TƯ về giảm nghèo bền vững hôm nay (16/1), Thứ trưởng bộ Lao động, Thương bình và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết trong năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo là khoảng 34,7 nghìn tỷ đồng, trong đó có 30,8 nghìn tỷ đồng là từ ngân sách, và 3,8 nghìn tỷ đồng là huy động.
Các chính sách được đưa ra để phục vụ mục tiêu này gồm khám chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ học sinh nghèo, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, tín dụng ưu đãi, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, hỗ trợ tiền điện... Bên cạnh đó là các chính sách giảm nghèo đặc thù với từng vùng miền.
Kết quả năm 2014 là tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%), riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 33,2% năm 2014).
Mục tiêu giảm nghèo năm 2015 theo nghị quyết của QH là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước xuống dưới 5%, ở các huyện nghèo còn dưới 30%. Còn giai đoạn 2016-2020, với chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo cả nước phải giảm bình quân 1-1,5%/năm, ở các huyện nghèo là 3-4%/năm, thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại cuộc họp. |
Trước khi thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo lưu ý rằng tuy con số là vậy, nhưng tình trạng nghèo vẫn còn rất thách thức: Nhìn chung cả nước thì tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng tôi đã đi kiểm tra ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nghèo theo chuẩn cũ mà có nơi vẫn còn đến 60%.
Trao đổi từ bộ Nông nghiệp và Phát triển, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng một trong những vướng mắc là khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, đặc biệt là vùng sâu xa, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Thứ trưởng Sơn Phước Hoan, Phó Chủ nhiệm UB Dân tộc thì chỉ ra thực tế: Ở các xã nghèo, dân tộc thiểu số, người dân đi khỏi quê hương để làm việc ở xa đến một nửa, vì ở quê không có nghề và việc làm cho họ. Người ở lại lao động cũng rất chăm chỉ, trong nhà chất đầy ngô, nhưng không biết tiêu thụ ở đâu. Họ có nhiều sản phẩm như ngô, gà, chất lượng tốt, năng xuất cao không thua gì vùng đồng bằng hoặc đồng bào Kinh, nhưng chưa có điều kiện chế biến và tiêu thụ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi giải pháp bằng chính những gì ông chứng kiến tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai: Thấy người dân phấn khởi, tôi hỏi họ, chứ không phải hỏi cán bộ, thì họ bảo do nhà nước cho bê tông làm đường vào tận nơi,họ có thể vận chuyển được hàng hóa đi bán. Họ nói không còn đói, nhà nào cũng có xe máy và đều cử người ra trông coi con đường như là tài sản của họ.
Ông Vũ Văn Ninh cũng kể một ví dụ khác ở An Giang: Một doanh nghiệp lớn tổ chức đội quân trợ giúp kỹ thuật cho nông dân, sau một thời gian thì có kế hoạch rút đội quân này để nông dân tự làm. Một nông dân kiến nghị “rút cũng được nhưng rút từ từ thôi”. Điều đó cho thấy việc đưa cán bộ về tận nơi chỉ dẫn cho nông dân là rất hiệu quả, hơn nhiều so với việc đưa nông dân lên ngồi trường lớp nghe giảng bài.
Thứ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường Chu Phạm Mạnh Hiển cũng chia sẻ nhận định giảm nghèo tốt nhất là thông qua các mô hình cộng đồng, sẽ bền vững hơn so với qua các cơ quan nhà nước.
Theo đề nghị của bộ LĐ,TB&XH, phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 sẽ đánh giá các mặt: giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn và tình trạng đi học của trẻ em), y tế (tiếp cận các dịch vụ y tế và BHYT), nhà ở (chất lượng nhà ở và diện tích ở bình quân đầu người), điều kiện sống (nguồn nước sinh hoạt và nhà vệ sinh), và tiếp cận thông tin (sử dụng dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin). |
Qua thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định chính sách giảm nghèo tới đây cần ưu tiên tập trung cao độ nguồn vốn từ ngân sách cho những vùng trọng tâm trọng điểm, những vùng có tỉ lệ hộ nghèo cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vì huy động nguồn lực xã hội vào các địa bàn này là rất khó.
“Trước ta ‘xóa đói giảm nghèo’, nay đã có nhiều tiến bộ, thành tựu, ta cần ‘giảm nghèo bền vững’”, Phó Thủ tướng chỉ ra một số hướng điều chỉnh chính sách để giảm nghèo đa chiều.
Trước hết phải dựa vào cộng đồng, vì nguồn lực từ ngân sách có hạn, cần thêm nguồn lực từ xã hội. Cộng đồng có thể tham gia hầu hết các hoạt động giảm nghèo như bình chọn, bình xét, thúc đẩy, cho vay... Có thể huy động vốn từ doanh nghiệp và người dân, nhưng phải đúng lúc, đúng chỗ, không được bừa bãi, người đã nghèo rồi không thể huy động họ đóng góp giảm nghèo.
Nhưng vẫn phải có những chính sách thúc đẩy người nghèo tự vươn lên thoát nghèo, ông Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Tăng cho vay, giảm cho không.
“Ta không bỏ hẳn, vẫn có những trường hợp như thiên tai lũ lụt phải hỗ trợ hoàn toàn cho các hộ nghèo. Nhưng có thể thúc đẩy họ bằng các khoản vay không lãi suất, hoặc lãi suất rất nhẹ, chỉ tượng trưng...
Chính sách cũng ưu tiên linh hoạt hơn để người nghèo thoát nghèo dần đến mức tự túc hoàn toàn. Ví dụ có người nói ngân hàng không quá ưu đãi lãi suất nhưng thời gian cho vay nên phù hợp với chu kỳ sản xuất hoặc mức cho vay cao lên để đủ đầu tư...”, Phó Thủ tướng trao đổi.
Ông Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu để có chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là nguồn lực tài chính.
Chính phủ sẽ tiếp tục có hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành để trực tiếp trao đổi vấn đề này với các địa phương.
Chung Hoàng