Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, của tỉnh Nghệ An (miền Tây Nghệ An) gồm 11 huyện. Trong đó có 1.188 thôn, bản đặc biệt khó khăn, 27 xã biên giới, với đường biên giới dài 468,281 km tiếp giáp với 3 tỉnh của Lào. Đây là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Ơ Đu...
Mặc dù có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh nhưng thực tế đời sống bà con DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo chưa đa chiều, chưa bền vững.
Bởi vậy, tăng cường khả năng an sinh và giúp cộng đồng DTTS tiến tới làm giàu luôn được xác định là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện miền núi phía Tây Nghệ An.
Thời gian qua, bằng cách lồng ghép các cơ chế, chính sách, chính quyền và nhân dân các địa phương khu vực miền Tây Nghệ An không ngừng nỗ lực để công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực nhất. Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo là ngoài việc khơi dậy sức mạnh nội lực như huy động nguồn lao động tại chỗ, nâng cao ý thức xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào thì công cuộc xóa đói, giảm nghèo cũng đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng xã hội đối với người nghèo.
Hàng năm, thông qua chương trình “Quỹ hỗ trợ vì người nghèo” đã có hàng trăm doanh nghiệp chung tay cùng chính quyền các cấp, đóng góp hàng trăm tỷ đồng chuyển đến người nghèo một cách thiết thực nhất. Do đó, việc thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Nghệ An bước đầu đạt được những kết quả.
Từ năm 2013 đến tháng 10/2020, có 64 chương trình, dự án từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được triển khai với tổng nguồn vốn là 208.790,69 triệu đồng. Thu hút được 231 dự án của các nhà đầu tư với 40.554 tỷ đồng vốn đăng ký của các Tập đoàn, doanh nghiệp. Việc triển khai các chương trình, dự án đã góp phần giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Nhận thức về quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên rừng... góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo sự ổn định để phát triển KT-XH. Đồng bào đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 3 - 4%. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư...
Đặc biệt, qua 10 năm (2012-2022) thực hiện chủ trương “mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ một xã nghèo” do UBND tỉnh Nghệ An phát động, đã góp phần đem lại hiệu quả thiết thực cho vùng DTTS của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển chợ đầu mối, nâng cấp, cải tạo các chợ biên giới, chợ trong vùng kinh tế cửa khẩu; mở rộng giao lưu, trao đổi, quảng bá hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung, chợ dân sinh; quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới.
Các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, vốn tín dụng đối với hộ đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện tốt. Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; chính sách hỗ trợ ổn định lương thực và các mặt hàng thiết yếu cho người dân ở địa bàn đặc biệt khó khăn vùng biên giới để đồng bào yên tâm định cư, giữ vững thế trận an ninh biên giới.
Nhờ có chính sách tốt, vận hành hiệu quả, kiên trì, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cùng với sự tiếp sức của cộng đồng xã hội, giờ đây phía Tây Nghệ An là đã hình thành được một số vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến như: vùng trồng mía nguyên liệu ở Tân Kỳ, Anh Sơn…; vùng chăn nuôi bò sữa ở Nghĩa Đàn; Dự án trang trại chăn nuôi lợn Quỳ Hợp (1.415 tỷ đồng); MDF tại huyện Anh Sơn (2.180 tỷ đồng)Dự án trồng rau và hoa trong nhà kính Nghĩa Đàn (3.143 tỷ đồng); Dự án Bảo tồn và phát triển dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững (2.345 tỷ đồng); Mô hình trồng cây ăn quả ở các vùng biên, vùng sâu vùng xa cho hiệu quả cao như: chanh leo ở huyện Quế Phong; cam, quýt ở huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp; mô hình trồng cây dược liệu để chế biến thực phẩm chức năng ở huyện Con Cuông.
Đặc biệt, nhiều vùng đồng bào DTTS đã chú trọng khai thác hợp lý tiềm năng mặt nước hồ thủy điện, khoáng sản, đất đai để nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy thương mại, dịch vụ, ứng dụng công nghệ cao phổ cập.
Có thể thấy, các chính sách hay, tập trung vào mục tiêu thiết thực là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS ở miền Tây Nghệ An nói riêng, cho đồng bào nghèo trong tỉnh nói chung vừa qua đã phát huy hiệu quả. Giờ đây kinh tế - xã hội các huyện miền núi đã có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống đồng bào ngày càng tiệm cận các mục tiêu đa chiều.
Vũ Lụa, Hữu Khôi, Bạt Tuấn