Yêu cầu cao hơn, truyền thông phải tốt hơn

Giải trình trước Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mới đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây đã là nhiệm kỳ thứ 2 thực hiện chương trình, khác với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này công việc đòi hỏi phải cao hơn, “trước đây đã khó thì giờ khó hơn”. Bởi theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo thông tin… với những mục tiêu cao hơn và toàn diện hơn. 

Về cách thức triển khai, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, giảm nghèo giờ đây “không còn chính sách cho không” mà đã chuyển sang hỗ trợ có điều kiện sản xuất, nhà ở, sinh kế và đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Lí giải về những khó khăn khi thực hiện song song 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp không ít khó khăn, thách thức, ông Dung cho rằng trong đó nguyên nhân khách quan tác động từ dịch bệnh Covid-19, tình hình thiên tai, lũ bão, sạt lở... Nhưng nguyên nhân chủ quan cũng có nhiều, trong đó nhiều nơi truyền thông chính sách chưa tốt cũng là lí do cần khắc phục.

Đánh giá về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới ông Dung cho biết, những hạn chế đã được chỉ ra sẽ phải khắc phục ngay. Đặc biệt, trong các mục tiêu của chương trình những yếu kém như tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chất lượng giảm nghèo chưa bền vững hay các chính sách giảm nghèo tới người dân bị rơi rụng nguồn lực hoặc chậm cũng cần phải khắc phục sớm. Đánh giá về tổng thể ông Dung cho rằng, với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các địa phương, sự vươn lên của các hộ nghèo thì kết quả đạt được rất đáng ghi nhận nhưng cần cải thiện hơn nữa.

Nói sâu về công tác truyền thông chính sách, ông Dung thẳng thắn: Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm sáng, là nước duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bền vững. “Không ai sinh ra và lớn lên mà muốn mình nghèo, không ai muốn không thoát nghèo nhưng chỉ vì chưa có khả năng thoát nghèo mà thôi”, Bộ trưởng Dung nói. Bởi theo ông Dung, nếu còn trong danh sách hộ nghèo thì chí ít người dân sẽ còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Nhưng bên cạnh tuyên truyền cho người dân vươn lên thoát nghèo thì cũng phải nói cho họ “không nên bám lấy tiêu chuẩn hộ nghèo” để nhận hỗ trợ. 

hieu1056 quan triet chinh sach giao thong bien gioi.jpg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ, các chương trình giảm nghèo không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo thông tin… Ảnh minh họa: Người dân tộc thiểu số Hà Giang đang làm thủ tục xuất cảnh tại Cửa khẩu Thanh Thủy, Hà Giang.

Thời gian qua truyền thông chính sách đã nói được những nguồn lực người dân được thụ hưởng, nhưng thời gian tới cần nói thêm những gì dân không được thụ hưởng và phải nỗ lực hơn nữa để thoát nghèo. Bởi theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sẽ “không còn chính sách cho không” mà đã chuyển sang hỗ trợ có điều kiện sản xuất, nhà ở, sinh kế và đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Điều này truyền thông cần làm tốt vai trò của mình, nói để dân hiểu đồng thuận và thực hiện. Để thời gian tới khi dân đã có thể tự lực cánh sinh, họ sẽ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và chủ động nhường quyền lợi cho người khác thay vì không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo để hưởng chính sách như một số địa phương đang gặp phải.

Thí điểm “giảm nghèo trọn gói”

Chia sẻ với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, qua khảo sát Bộ rất muốn các địa phương biểu dương những hộ dân khi đã tự chủ được tài chính, viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Tuy nhiên, chính quyền thì đang e dè, trong khi người dân cũng rất e ngại khi nhận danh hiệu này bởi họ sẽ bị những người khác… chê cười là tự mãn.

Đánh giá về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, ông Dung cho biết: Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững đang triển khai tương đối tốt, nhưng Chương trình phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc miền núi thực hiện khó khăn hơn. Bốn lí do được chỉ ra như, quá nhiều văn bản (trung bình một chương trình có từ 60-70 văn bản) nên ngay cả cán bộ truyền thông còn gặp khó nói chi tới việc “nói cho dân hiểu”. Kế đến là việc phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng dẫn đến tính sợ trách nhiệm.

Khó khăn thứ 3 mang tính khách quan là việc phân bổ dự án nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải quá nhiều. Ông Dung ví dụ, riêng chương trình giảm nghèo đã có trên 1.000 dự án nhỏ khác nhau. Và cuối cùng mục tiêu đặt cao nhưng vốn ít, vốn đối ứng của địa phương không có nên dự án bị đình trệ gây lãng phí. Trong khi khâu tổ chức, thực hiện dự án cũng có vấn đề, tình trạng “chấm mút” nguồn lực cũng xuất hiện nên phần nào làm mất đi tính nhân văn và hiệu quả của các chương trình.

Để giải quyết những hạn chế mang tính “cố hữu” trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội 7 cơ chế chính sách đặc thù trong đó cho phép thí điểm trao quyền “trọn gói” cho cấp huyện được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình với nhau. Nói như cán bộ các địa phương là được rót vốn “giảm nghèo trọn gói”, địa phương sẽ tự ưu tiên dự án nào cần làm trước, tự phân bổ nguồn lực thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Có như vậy, các dự án sẽ không còn tình trạng dàn trải, đói vốn và kém hiệu quả.

Ánh Tuyết và nhóm PV, BTV