Xã Gio Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị là địa bàn có đông người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo diện hợp đồng có thời hạn (xuất khẩu lao động). Đến nay, xã có hơn 450 người đang làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Lãnh đạo xã cho biết số kiều hối gửi về địa phương trung bình khoảng 20 tỷ đồng/năm đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo bền vững, tăng cơ hội cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, đây cũng được xác định là một trong những giải pháp giúp địa phương này giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 4,6%.
Trên toàn huyện Gio Linh, 7 tháng đầu năm 2024 có hơn 380 người đi xuất khẩu lao động, nâng tổng số lao động hiện đang làm việc tại nước ngoài theo diện hợp đồng có thời hạn của huyện lên 1.375 người. Huyện phấn đấu trong năm 2024 có khoảng 600 người đi xuất khẩu lao động.
Còn tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), tính đến quý III/2024 có gần 450 lao động đang làm việc tại nước ngoài. Riêng trong 7 tháng đầu năm nay, có 20 người xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tuỳ theo công việc của mỗi người tại mỗi địa bàn, số tiền gửi về cho gia đình của mỗi lao động khoảng 30-50 triệu đồng/tháng. Hàng năm, số tiền của lao động gửi về địa phương khoảng 15 tỷ đồng, giúp địa phương giảm nghèo bền vững, hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 3%. Nhiều hộ gia đình nghèo từng bước vươn lên thành hộ khá giả.
Tỉnh Quảng Trị xác định giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chiến lược quan trọng để giảm nghèo bền vững, trong đó có hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Theo thống kê, từ năm 2016 đến cuối năm 2023, tỉnh đã đưa trên 14.500 người đi xuất khẩu lao động. Năm 2024, tỉnh đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, quyết tâm thực hiện mục tiêu đến hết năm 2024 hỗ trợ đưa từ 1.200 lao động trở lên đi xuất khẩu lao động.
Tại huyện Gio Linh, Triệu Phong và nhiều địa phương tại Quảng Trị đẩy mạnh công tác kết nối thông tin thông qua các phiên, sàn giao dịch, hội chợ việc làm; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết giáo dục định hướng cho người lao động. Các đoàn thể cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động trong độ tuổi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục ưu tiên nguồn vốn, tạo điều kiện tốt nhất để tất cả đối tượng thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đi xuất khẩu lao động. Chị Hồ Thị Hạnh, ở thôn Cơ Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), từng mạnh dạn vay 100 triệu đồng để lo chi phí cho chồng đi lao động ở Nhật Bản.
Nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động không những giúp gia đình chị Hạnh trả hết nợ ngân hàng, mà còn có vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, gia đình chị Hạnh thoát khỏi hộ nghèo, con cái được ăn học đầy đủ.
Cũng sang Nhật Bản làm nghề xây dựng, anh Hồ Văn Hời, ở thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông (Quảng Trị) rất phấn khởi. Từ nguồn thu nhập 20 triệu đồng/tháng khá ổn định, anh Hời gửi tiền về nhà phụ giúp gia đình. Thông tin về với quê nhà, anh chia sẻ khi sang Nhật Bản làm việc, anh có thể học thêm nhiều kinh nghiệm, nâng cao tay nghề để sau này hết thời hạn hợp đồng, khi trở về quê hương có thể phát triển nghề nghiệp, có việc làm ổn định.
Từ năm 2024 đến hết năm 2026, tỉnh Quảng Trị có chính sách hỗ trợ người tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hỗ trợ lao động hết hạn hợp đồng trở về nước có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn đối với người dân tộc thiểu số; người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; lực lượng vũ trang xuất ngũ; thân nhân người có công với cách mạng.
Mục tiêu đề ra khi thực hiện Nghị quyết là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách, góp phần vào công cuộc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.