Ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách
Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu huy động khí cho phát điện ở mức thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ đạt 87,5%; Tây Nam Bộ đạt 72,7% kế hoạch huy động khí cho sản xuất điện. Tình hình trầm trọng hơn trong đợt bùng phát dịch ở nước ta từ cuối tháng 4/2021, với chính sách giãn cách xã hội trên diện rộng, kéo dài, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam.
Một số tổ chức dựa trên các kịch bản kiểm soát dịch Covid-19 để đưa ra các mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm đều ở mức thấp so với 6 tháng đầu năm, điều này sẽ dẫn đến nhu cầu khí tiếp tục ở mức thấp, đặc biệt từ tháng 9, 10 năm 2021 khi sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp tới hạn sau 1 thời gian dài chống đỡ với dịch Covid-19.
Theo Petrovietnam, hiện các nhà máy điện là khách hàng tiêu thụ chính, chiếm tới 80% tổng sản lượng khí. Việc giảm huy động khí cho phát điện sẽ làm giảm công suất các nhà máy, lãng phí khối tài sản đã đầu tư xây dựng các cụm công trình khí - điện; kéo theo việc giảm khai thác ở các mỏ dầu khí ngoài khơi.
Điều này sẽ gây thiệt hại do giảm nguồn thu của Nhà nước từ hoạt động khai thác dầu khí (nguồn thu chủ lực của ngân sách hiện nay) bao gồm: thuế tài nguyên, phần chia lãi nước chủ nhà, phần chia lãi nhà thầu trong nước, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thuế xuất khẩu sản phẩm dầu khí, thuế giá trị gia tăng…
Tình hình huy động khí cho điện thấp sẽ dẫn đến mức thu ngân sách của các địa phương sẽ giảm đáng kể so với năm 2020. Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến giảm 435 tỷ đồng, tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều tỉnh, thành khác.
Phát sinh “bài toán” về giá điện
Tình hình huy động khí cho phát điện thấp cũng phản ánh nhu cầu phụ tải thấp trên thị trường điện. Ngành điện đối diện với “bài toán” thừa điện do hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, nhiều nhà máy giảm công suất, ngừng hoạt động bởi tác động của dịch Covid-19.
Thêm vào đó, nguồn cung của hệ thống điện quốc gia tăng đáng kể do các dự án điện năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành và đây là nguồn thường được Hệ thống điều độ quốc gia (A0) ưu tiên huy động.
Trong khi đó, các nhà máy điện mặt trời, điện gió theo chính sách ưu tiên năng lượng tái tạo được liên tục huy động tối đa với giá bán điện trong 20 năm cao hơn nhiều so với giá nhiệt điện khí.
Hiện tại, hệ thống điện đang huy động 4.460 MW điện mặt trời vận hành trước 30/6/2019 có giá bán là 2.086 đồng/kWh, 7.910 MW điện mặt trời mái nhà từ 1/7/2019 có giá bán 1.943 đồng/kWh, 12.040 MW điện mặt trời mặt đất có giá bán 1.644 đồng/kWh. Ngoài ra, tổng công suất điện gió đến cuối năm 2021 dự kiến đạt 6.250 MW và được bán với giá điện gió đất liền là 1.928 đồng/kWh.
Tất cả dạng năng lượng tái tạo hiện nay đều có giá cao hơn giá nhiệt điện khí - trong khi nhiệt điện khí cũng là năng lượng sạch. Giá bình quân của cụm các nhà máy điện Nhơn Trạch là 1.441 đồng/kWh, các nhà máy điện Cà Mau là 1.319 đồng/kWh, các nhà máy điện Phú Mỹ là 1.175 đồng/kWh.
Trong khi đó, năng lượng tái tạo được huy động tối đa theo công suất khả dụng cùng với việc cắt giảm huy động nhiệt điện khí đã đẩy giá thành điện lên cao trong khi giá điện thương phẩm bình quân không thay đổi áp dụng từ 20/3/2019 là 1.864 đồng/kWh.
Tác động đến chiến lược năng lượng quốc gia
Đại diện Petrovietnam cho biết, huy động khí cho phát điện giảm sẽ tác động tiêu cực đến môi trường vì khí thiên nhiên được xem là dạng năng lượng sạch sử dụng hiệu quả cho điện, ít phát thải khí nhà kính.
Việc này cũng tác động đến công tác đầu tư đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí trong nước nói chung và đặc biệt tại vùng nước sâu, xa bờ nói riêng; không tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có của quốc gia, cũng như không thu hút đầu tư phát triển các dự án nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để đảm bảo nguồn năng lượng sơ cấp lâu dài cho hệ thống điện quốc gia.
PetroVietnam cho rằng, điều này không phù hợp với Nghị Quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị mới ban hành ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Nghị quyết đã đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG” đồng thời “chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”…
Việc giảm huy động khí cho phát điện cũng tác động đến các dự án nhập khẩu LNG mà Quyết định số 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 về việc Phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu tổ chức triển khai nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu LNG, vận hành chuỗi cung ứng LNG đáp ứng yêu cầu về an ninh năng lượng.
“Để đảm bảo hiệu quả tổng thể của toàn bộ chuỗi giá trị khí đã được đầu tư và tạo nền tảng cho việc tiếp tục phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam bền vững, tiếp tục khẳng định vị thế các sản phẩm khí là nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực của quốc gia thì nên có sự công bằng trong việc huy động các nguồn điện và phát triển chuỗi giá trị khí - điện một cách hiệu quả, để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển kinh tế đất nước”, đại diện Petrovietnam đề xuất.
Vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã có Công văn hỏa tốc số 5476/UBND-KT ngày 17/9/2021 gửi Bộ Công Thương kiến nghị về việc chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường huy động Nhà máy điện Cà Mau 1&2, góp phần phục hồi kinh tế - đời sống xã hội do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng tỉnh Cà Mau và doanh nghiệp trong thời gian tới. |
Minh Ngọc