Thống kê của Cục An toàn lao động năm 2019 cho thấy, Việt Nam có số giờ làm việc thuộc nhóm cao trong Đông Nam Á, trong khi ngày nghỉ lễ thuộc nhóm thấp nhất.
Chỉ tính riêng thời gian làm việc trong năm của người Việt khoảng 2.320 giờ, thấp hơn Philippines, Malaysia, Thái Lan và cao hơn Singapore, Indonesia, Lào và Campuchia.
Việt Nam có 12 ngày nghỉ phép khởi điểm, thuộc nhóm trung bình, thấp hơn Lào, Campuchia, Indonesia và cao hơn Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines. Nghỉ lễ Tết hiện hành của Việt Nam 11 ngày, bằng với Singapore nhưng thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á.
Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ và thực tế có doanh nghiệp giảm xuống 44 giờ mỗi tuần khi quy định: Người lao động làm sáng thứ Bảy nghỉ buổi chiều, hoặc có nơi luân phiên làm trọn thứ Bảy của tuần này và được nghỉ vào tuần sau.
Tuy nhiên, chính sách trên chủ yếu áp dụng với cán bộ quản lý hoặc khối văn phòng, hành chính, còn công nhân sản xuất, đặc biệt ngành thâm dụng lao động, thường đi làm cuối tuần và chọn tăng ca để có thêm thu nhập.
Theo ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động TP Hà Nội), trong xây dựng chính sách, Việt Nam nên tiếp cận xu hướng chung của thế giới là giảm giờ làm, giúp lao động tái tạo sức lực. Hiện lao động khối doanh nghiệp vẫn đang làm nhiều, nghỉ ít.
Không đồng tình quan điểm giảm giờ làm năng suất lao động Việt Nam sẽ thấp, ông Dưỡng cho rằng, hiệu quả làm việc của người lao động chỉ là một yếu tố, ngoài ra còn phụ thuộc công nghệ, quản trị doanh nghiệp...
Bà Phạm Thu Lan, Viện phó Công nhân Công đoàn, góp ý giảm giờ làm việc còn để tạo sự công bằng cho lao động hai khối Nhà nước và doanh nghiệp.
“Qua các cuộc khảo sát, công nhân nhiều lần thắc mắc, so bì vì sao khu vực Nhà nước làm việc 40 giờ, được nghỉ trọn hai ngày cuối tuần mà lao động khối doanh nghiệp làm 48 giờ ”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, giờ làm việc chính thức của lao động khối doanh nghiệp đã thuộc nhóm cao, giờ làm thêm trong 10 năm qua đã tăng gấp đôi. Làm thêm là lựa chọn "bất đắc dĩ" của lao động để cải thiện thu nhập và một phần không dám chối từ vì sợ mất việc, chứ không phải thích.
Cũng theo một chuyên gia lao động, chính sách giảm giờ làm việc còn là công cụ điều tiết các hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, giảm dần ngành thâm dụng lao động.
Khi điều kiện làm việc của người lao động được nâng lên, doanh nghiệp ngoại tìm đến Việt Nam cũng phải nâng đầu tư về khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chứ không phải chỉ tận dụng nguồn lao động giá rẻ như hiện nay.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, đề xuất này không phải là mới, trước đây nhiều bên đã đề xuất giảm giờ làm, tuy nhiên đến nay đều chưa được xem xét.
Đồng tình với việc tiến tới giảm giờ làm, ông Huân nói rõ, giảm giờ làm là mục tiêu chung của lao động trên thế giới, nhất là công nhân, chứ không phải riêng Việt Nam. Tuy nhiên, từ đề xuất đi vào thực tế cần có sự chuẩn bị đủ các điều kiện như cải thiện năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập lao động…
Theo ông Huân, hiện nay mặt bằng tiền lương, tiền công được doanh nghiệp trả theo thời gian làm việc. Trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao, mặt bằng thu nhập thấp thì phải kéo dài thời giờ làm việc, nếu giảm giờ làm thì thu nhập của người lao động sẽ giảm theo.
Theo ông Huân, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 thì phải có lộ trình cụ thể chuẩn bị mới có thể giảm được giờ làm. Khi kinh tế phục hồi thì sớm nhất có thể bàn tới việc giảm giờ làm sau năm 2030.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong khi Việt Nam đang là nước có thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động dù có tiến bộ so với trước đây, nhưng so với các nước trong khu vực thì vẫn còn có khoảng cách.
Trong mấy năm qua chỉ tiêu tăng năng suất lao động hằng năm của Việt Nam đều chưa đạt đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Do vậy, nếu tăng thêm điều kiện giảm giờ làm cho người lao động thời điểm hiện nay sẽ là một thách thức đối với doanh nghiệp.
TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, thời điểm điều chỉnh giảm giờ làm việc hợp lý nhất khi Việt Nam trở nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao sẽ phù hợp hơn.
“Khoảng năm 2030 áp dụng là hợp lý, khi đó mô hình sản xuất tăng trưởng của Việt Nam cũng thay đổi. Khi trình độ lao động cũng như thu nhập bình quân tăng cao theo năng suất lao động ", ông Việt nói.
Vũ Điệp