Anh Lê Văn Giáp làm công nhân ở Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội) cho rằng, giảm giờ làm xuống dưới 48/tuần là hợp lý, bởi sức khoẻ của con người có hạn nên cần có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
“Giảm giờ làm để năng suất lao động cao hơn còn hơn làm việc nhiều mà tinh thần người lao động mệt mỏi, hiệu quả công việc thấp", anh Giáp nói.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Văn Quang làm công nhân ở Khu Công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) cho rằng, việc giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của thế giới.
Thực tế cho thấy, nhiều nơi năng suất lao động vào ngày thứ bảy không thật sự cao khi người lao động chỉ làm để đối phó. Vì thế, thay vì yêu cầu đi làm thứ Bảy thì nên cho lao động nghỉ ngơi để có thêm năng lượng tích cực, bước sang tuần mới làm việc hiệu quả hơn.
Chị Lê Thị Mai, kỹ sư hoá dầu tại một công ty Nhật Bản ở Hà Nội cho rằng, không nên nghĩ việc giảm giờ làm là hình thức tăng lương cho người lao động. Giảm giờ làm cũng là cách để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, thường những ngày cuối tuần người đi làm chỉ là cách để đối phó, làm cho có nên năng suất không cao, trong khi doanh nghiệp phải tăng thêm các chi phí điện nước... tốn kém hơn.
Hướng tới giảm giờ làm có lộ trình
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đề xuất giảm giờ làm không phải là mới, trước đây nhiều bên đã đề xuất nhưng cho đến nay vẫn chưa được xem xét.
Theo ông Huân, để giảm giờ làm phải chuẩn bị dần các điều kiện như: cải thiện năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập lao động.
Hiện nay mặt bằng tiền lương, tiền công ở nước ta cơ bản được doanh nghiệp trả theo thời gian làm việc. Trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao, mặt bằng thu nhập thấp thì vẫn phải kéo dài thời giờ làm việc, nếu giảm giờ làm nữa thì thu nhập của người lao động sẽ giảm theo.
Hơn nữa, sau đại dịch Covid-19 đến nay doanh nghiệp trong nước đang chịu tác động của mạnh của suy thoái kinh tế toàn cầu, các đơn hàng bị cắt giảm người lao động rơi vào tình cảnh thiếu việc làm.
Từ những phân tích trên, ông Huân cho rằng phải chờ đến khi kinh tế ổn định, khoảng sau năm 2030 mới có thể tính tới chính sách giảm giờ làm.
Một chuyên gia lao động cho rằng, việc áp dụng ngay giảm giờ làm cho người lao động xuống thấp hơn 48 tiếng/tuần ở thời điểm hiện tại là khó khăn, do vậy có thể giảm bằng việc chỉ nên đi làm sáng thứ Bảy, còn chiều thứ Bảy và chủ nhật người lao động được nghỉ để chăm lo cho bản thân và gia đình.
Chính sách này có thể chưa thể áp dụng đại trà nhưng có thể tập trung thí điểm ở một số ngành, nghề phù hợp.