Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh, phần lớn trong số hơn 689 dự án phát triển nhà ở phải ngừng triển khai trên địa bàn thành phố thời gian qua là do chủ đầu tư không tự thỏa thuận được giá bồi thường với người dân.

Lý do, theo quy định hiện hành, chủ dự án phải thỏa thuận giá bồi thường cho người dân đến mét vuông đất cuối cùng.

Thời gian tiến hành thương lượng để giải phóng mặt bằng kéo dài càng khiến nhiều dự án nhà ở tại thành phố rơi vào cảnh bế tắc. Để gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) địa ốc có dự án bị chậm tiến độ do ách tắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng này, Hiệp hội BĐS thành phố cũng đã nhiều lần đề nghị chính quyền có biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư trong trường hợp đã bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án được từ 80% diện tích trở lên để sớm đưa dự án vào triển khai thực hiện, tránh lãng phí thời gian và chi phí đầu tư.

{keywords}

Giải pháp được đưa ra là đối với dự án đã bồi thường, giải phóng mặt bằng liền thửa thì cho phép nhà đầu tư được điều chỉnh quy hoạch thực hiện trong phạm vi đất đã được bồi thường. Với dự án đã giải phóng mặt bằng dạng “da beo”, chính quyền địa phương cần hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng với mức giá đền bù không thấp hơn mức giá cao nhất mà nhà đầu tư đã đền bù trong dự án, hoặc có cơ chế để người có đất tham gia góp vốn cùng nhà đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh dự án đó.

Đến nay, tiền sử dụng đất vẫn là một gánh nặng đối với DN BĐS. Tiền sử dụng đất là một “ẩn số”, không nắm rõ chi phí, chủ dự án không thể tính toán được hiệu quả trước khi quyết định đầu tư dự án có sử dụng đất, thực trạng này càng khiến chủ đầu tư BĐS lâm vào cảnh khó khăn sau khi thực hiện dự án dở dang. Nhưng cuối cùng, chi phí tiền sử dụng đất cũng vẫn sẽ được tính vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua sản phẩm BĐS.

Vì vậy, ông Châu đề nghị để giảm nhẹ gánh nặng cho nhà đầu tư, cần xem xét bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” để thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, ở mức khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Quy định như vậy sẽ hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn để duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho ngân sách. Đã phải trả tiền đất 2 lần, nên ông Châu cũng cho rằng việc điều tiết 20% tổng diện tích đất ở của dự án phát triển BĐS, không phân biệt quy mô dự án, để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là chưa hợp lý, cần giảm xuống thấp hơn. Mức điều tiết nên quy đặt trong khoảng 10% diện tích đất dự án là hợp lý và giá trị phần diện tích đất này cần cho phép chủ dự án được nộp bằng tiền hoặc chọn phương án trả bằng quỹ nhà ở.

Việc buộc chủ dự án phải ký quỹ số tiền từ 1-3% để đảm bảo việc thực hiện dự án cũng vậy, đối với các dự án quy mô lớn sẽ là con số không hề nhỏ.

Để khắc phục hạn chế này Hiệp hội BĐS thành phố cũng đưa ra đề nghị cần có quy định cụ thể mức ký quỹ với từng nhóm dự án để tạo sự minh bạch với chủ đầu tư, mức được Hiệp hội BĐS thành phố đề nghị là đối với dự án có vốn đầu tư dưới 300 tỷ đồng, mức ký quỹ là 3%; dự án có vốn đầu tư từ trên 300-1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 2% và dự án có vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 1%.

Khoản tiền ký quỹ này phải được hoàn trả dần cho chủ đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án và những trường hợp chủ đầu tư dự án đã tự mình bồi thường tạo được quỹ đất sạch không phải thực hiện nghĩa vụ ký quỹ.

Trước xu hướng DN địa ốc đang tự tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư thông qua một loạt các hoạt động hợp tác, mua bán sáp nhập DN… thì để triển khai các dự án mới và tái khởi động các dự án "trùm mền", giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và tạo điều kiện cho DN địa ốc thực hiện dự án, ông Châu cho rằng việc thí điểm cho phép chuyển nhượng dự án BĐS giữa các nhà đầu tư khi đã có quỹ đất sạch cũng cần được chính thức đưa ra xem xét.

Theo Công an nhân dân

Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: [email protected]