Hôm nay (10/4), phiên tòa xét xử vụ đào tạo lái xe trái phép xảy ra tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn bước vào phần tranh luận.

Nêu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND TPHCM khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Theo đại diện VKS, chủ trương xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề, đặc biệt là nghề lái xe ô tô, là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng tuyển sinh, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe không đúng quy định diễn ra tại một số cơ sở đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo, là nguyên nhân tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông. 

W-daylaixe.jpg
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TP

Trong vụ án này, các bị cáo là những người có hiểu biết pháp luật, phần lớn có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực dạy nghề lái xe ô tô.

Dù nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng vì vụ lợi cá nhân hoặc những động cơ cá nhân khác, các bị cáo đã hợp thức hóa các điều kiện chuyên môn, kỹ thuật. Hành vi này đã tạo điều kiện cho Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn tuyển sinh, đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề trái quy định cho các học viên.

Các bị cáo thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã không thực hiện đầy đủ chức năng giám sát, thẩm định và kiểm tra thực tế đối với Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn theo quy định pháp luật. Các bị cáo đã chấp thuận, bổ sung quy mô tuyển sinh trái pháp luật, góp phần tiếp tay cho những sai phạm kéo dài.

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm nghiêm trọng đến quy định của pháp luật trong lĩnh vực đào tạo nghề, đặc biệt là nghề lái xe ô tô - lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông đường bộ, đến tính mạng và tài sản của người dân.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, hỗ trợ khắc phục hậu quả. Đây là những tình tiết giảm nhẹ cần được xem xét khi lượng hình.

Từ những phân tích trên, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Hồ Đình Thái Hòa (Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn, Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T - Công ty 3T) 11-12 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; buộc nộp lại số tiền hơn 100 tỷ đồng thu lợi bất chính. 

Cùng về tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", 9 bị cáo khác bị đề nghị từ 5-6 năm tới 10-11 năm tù. 

VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Mộng Thu (cựu PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai) 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Hữu Khánh Linh (cựu Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai) và Đặng Văn Dạng (cựu chuyên viên Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai) cùng 36-42 tháng tù, cùng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

VKS đề nghị tiếp tục tạm giữ số tiền hơn 3,2 tỷ đồng mà các bị cáo tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả vụ án.

Theo cáo buộc, mặc dù Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn không đủ điều kiện tiêu chuẩn chuyên môn kỹ thuật nhưng muốn tuyển sinh nhiều học viên, thu lợi nhuận nên bị cáo Hồ Đình Thái Hòa đã thành lập Công ty K27.

Từ đó, thông qua Công ty K27 và 261 cá nhân bên ngoài hợp thức điều kiện chuyên môn kỹ thuật để các bị cáo thuộc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cấp 976 xe tập lái, 39 phòng học chuyên môn, 1.406 giáo viên, 3 sân tập lái có lưu lượng đào tạo trên 1.000 học viên; Sở LĐ-TB&XH cấp bổ sung quy mô đào tạo lái xe 12.000 học viên/năm theo giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Sau đó, ông Hòa chỉ đạo cấp dưới đưa các điều kiện chuyên môn kỹ thuật vào hợp thức, ký 935 báo cáo với 63.458 học viên, thu 618 tỷ đồng tiền học phí để đăng ký kế hoạch đào tạo lái xe với Sở GTVT.

Các bị cáo Thu, Linh và Dạng bị cáo buộc không kiểm tra thực tế các điều kiện chuyên môn, kỹ thuật của trung tâm mà chấp thuận bổ sung quy mô tuyển sinh 12.000 người/năm theo đề nghị. Từ đó, cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp vượt quá quy mô.

Toàn bộ số học viên không được đào tạo tập trung tại trung tâm theo kế hoạch đào tạo đã đăng ký với Sở GTVT, không đào tạo đúng nội dung, chương trình đào tạo nghề của Bộ LĐ-TB&XH. 

Sở GTVT và Sở LĐ-TB&XH cũng không tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình đào tạo của trung tâm, dẫn đến việc bị cáo Hòa đã tuyển sinh 63.458 học viên.