Ngày 1/6, tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc thì trong 3 năm tới phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300km. Đây là nhiệm vụ vô cùng lớn nên Chính phủ đã giao cho địa phương làm chủ đầu tư nhiều dự án đường bộ cao tốc.
Cần có cơ chế tổng thầu làm đường cao tốc
Tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhắc đến vai trò quản lý của cơ quan nhà nước đối với các dự án giao thông trọng điểm. Ông cho biết, TP.HCM lần đầu tham gia làm đường cao tốc, vốn đầu tư công được giao chiếm hơn 70% của thành phố.
“Như vậy khối lượng công việc tăng lên rất nhiều, làm sao đáp ứng được? Chúng tôi thấy rằng, hiện nay chúng ta đang triển khai nhiều dự án đường cao tốc, do đó Bộ GTVT nên có đánh giá những gì đã làm được.
Đặc biệt, chúng ta nên mạnh dạn đề xuất cơ chế, ví dụ như triển khai hình thức giao thầu EPC (hợp đồng tổng thầu) hoặc chìa khóa trao tay để phát huy các đội ngũ nhà thầu, tư vấn đủ mạnh đến từ các tập đoàn, tổng công ty, liên doanh chủ lực làm thay cho Nhà nước. Chúng ta chỉ thực hiện quản lý nhà nước, chứ Nhà nước không thể ôm hết được”, ông Lâm đề xuất.
Ngoài ra, Giám đốc Sở GTVT TP. HCM cũng kiến nghị, sắp tới các tuyến cao tốc, trong đó có đường vành đai 3 TP.HCM sẽ thu phí. Công nghệ thu phí tự động không dừng theo công nghệ RFID hiện tại rất tốt, nên sớm hướng tới việc không dùng barie với cơ chế giám sát, xử phạt phù hợp.
Trả lời đề xuất của ông Lâm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, về hình thức đầu tư cần có tư duy mới, cái gì mang lại lợi ích và tiến độ chất lượng, phù hợp nhưng chưa có quy định thì cần tham mưu để Quốc hội, Chính phủ ban hành.
Về việc thu phí đường cao tốc, ông Thọ cho biết Bộ GTVT đang lấy ý kiến để trình Quốc hội phương án thu phí đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách.
"Nhất định phải áp dụng thu phí không dừng (ETC). Chúng tôi cũng thấy việc thu phí ETC theo công nghệ RFID có nhiều ưu việt. Mới đây, Bộ đã đi khảo sát thì thấy việc thu phí không barie không khó khi dải camera xa hơn.
Thế nhưng mấu chốt ở đây là phải tiến tới mỗi chủ xe phải có tài khoản giao thông. Tài khoản ấy được kết nối với tài khoản thanh toán là điều kiện bắt buộc.
Khi có tài khoản giao thông định danh rồi thì không chỉ áp dụng trên đường cao tốc mà trên tất cả các khu vực thuộc mạng lưới giao thông như sân bay, nhà ga, bãi đỗ, thậm chí tại chung cư. Bộ đang giao Cục Đường bộ khẩn trương nghiên cứu để thực hiện”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ giải thích.
Giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước
TP.HCM đang triển khai dự án đường vành đai 3 nên Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm cho rằng, để dự án này khởi công trước ngày 30/6 cần chú trọng công tác giải phóng mặt bằng. TP.HCM xác định giải phóng mặt bằng là nút thắt và có ý nghĩa then chốt quyết định tiến độ thực hiện dự án, nên công tác này cần được quan tâm từ sớm, ngay từ bước chuẩn bị dự án.
Cũng là địa phương đang triển khai nhiều dự án cao tốc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, để có thể giải phóng mặt bằng sớm, đối với dự án đường Vành đai 4, Hà Nội đề xuất và được cấp có thẩm quyền chấp thuận tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập.
Theo Bộ GTVT, trong năm 2022, Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.300km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 500km giao cho các địa phương triển khai.
Bộ GTVT, các địa phương đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng khoảng 700km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 400km; thu xếp nguồn vốn để sau 2025 triển khai khoảng 900km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 750km.