Hà Nội có hơn 40 bệnh viện công lập, nhưng mới có 4 cơ sở chính thức công bố triển khai bệnh án điện tử, trong đó có 2 bệnh viện hạng I là Xanh Pôn và Phụ Sản, 2 bệnh viện hạng II là Mỹ Đức và Vân Đình.
Cuối tháng 5/2021, Tiến sĩ Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức (Hà Nội), ký quyết định chính thức triển khai bệnh án điện tử, đưa đơn vị này trở thành cơ sở y tế công lập đầu tiên của Hà Nội chính thức xóa sổ bệnh án giấy. Hơn nửa năm được điều động làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, tháng 8, Tiến sĩ Khuyến một lần nữa đưa bệnh viện của huyện Ứng Hòa triển khai bệnh án điện tử.
VietNamNet có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Khuyến, người dành nhiều tâm huyết với công cuộc chuyển đổi số y tế.
Không còn cảnh cầm tập phiếu chỉ định xét nghiệm đi khắp viện
Bệnh án điện tử được coi là cốt lõi của chuyển đổi số y tế. Ông có thể chia sẻ những lợi ích thiết thực nhất mà bệnh án điện tử mang lại cho bệnh nhân?
- Trước kia, lịch sử khám bệnh của bệnh nhân (tức là bệnh án giấy) được lưu trữ trong kho nên khi tìm lại rất khó và mất nhiều thời gian. Nhưng với bệnh án điện tử, chỉ cần mở máy tính, tất cả thông tin cần biết về bệnh nhân từ trước đến nay, kể cả tiền sử dị ứng được tích hợp vào tính năng của bệnh án, tiền sử bệnh tật… đều được cung cấp đầy đủ.
Tiền sử dị ứng của bệnh nhân rất quan trọng. Trước đây, nếu không có tính năng cảnh báo về tiền sử dị ứng trên bệnh án điện tử, việc bác sĩ có biết về tiền sử này hay không phụ thuộc vào chia sẻ của bệnh nhân và người nhà.
Nếu trong tình huống cấp cứu, bệnh nhân không tỉnh táo, người nhà thì luống cuống, việc khai thác rất khó khăn, nếu không khai thác được thì có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị và kết quả điều trị của người bệnh.
Bệnh án điện tử cũng giúp dự đoán gần như chính xác thời gian có kết quả xét nghiệm, tránh người bệnh phải chờ đợi lâu.
Với quy trình cũ, không thiếu cảnh nhiều bệnh nhân đi khám từ sáng sớm nhưng phải nửa buổi chiều mới hoàn tất quá trình khám. Với bệnh án điện tử, bệnh nhân đặt lịch khám từ nhà, theo hẹn đúng giờ sẽ đến khám với số thứ tự, phòng khám, giờ khám đã biết trước. Bác sĩ khám theo quy trình cũ phải in nhiều phiếu chỉ định xét nghiệm, bệnh nhân cầm tệp giấy đó tất tả chạy khắp viện, tới từng nơi để kịp xếp giấy lấy số.
Nay có bệnh án điện tử, bác sĩ chỉ cần in một tờ duy nhất, dù bệnh nhân cần làm đến 10 xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm sinh hóa máu, chụp X-quang, điện tim, siêu âm… Phần mềm quản lý cận lâm sàng (HIS-LIS) tự động tính toán trình tự cho từng bệnh nhân, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân.
Sau khi thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, hệ thống tự động dự báo thời gian trả kết quả chính xác tới từng phút, trên phiếu cũng in mã QR để bệnh nhân chủ động quét, theo dõi thời gian trả kết quả. Từ đó, cảnh bệnh nhân phải “canh giờ” để đến tận từng nơi lấy kết quả sẽ không còn. Họ chỉ cần ngồi chờ tại phòng khám ban đầu, kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm… sẽ được trả về cho bác sĩ khám qua HIS-LIS và phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS). Bệnh nhân muốn lưu lại kết quả đó, bác sĩ sẽ gửi cho bệnh nhân qua ứng dụng để theo dõi.
Tại Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức, nơi đã có hơn 2 năm triển khai bệnh án điện tử, thời gian trả kết quả xét nghiệm được cam kết là tối đa 55 phút kể từ khi lấy mẫu. Tất nhiên, bệnh viện tuyến huyện sẽ không thực hiện được các xét nghiệm đặc thù chuyên sâu như nuôi cấy định danh vi khuẩn phải 24 tiếng mới có kết quả. Với Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, chúng tôi sẽ triển khai khảo sát nghiên cứu đánh giá hiệu quả. Tuy nhiên đến nay, 100% bệnh nhân đến khám từ sáng đều có thể hoàn tất trước 11 giờ trưa.
Không còn đơn thuốc giấy, nhân viên thoát cảnh ôm chồng bệnh án đưa vào kho
Nhiều bệnh viện lớn tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân nội trú mỗi ngày, bệnh án giấy rất nhiều, tốn nhiều không gian lưu trữ, khó khăn trong tìm kiếm hồ sơ. Bệnh án điện tử giúp cải tiến việc đó ra sao, thưa ông?
- Với nhiều bệnh viện lớn, cảnh nhân viên y tế khệ nệ bê tay hoặc đẩy xe chở từng chồng bệnh án giấy vào kho lưu trữ rất quen thuộc. Đặc biệt, mỗi lần tìm kiếm hồ sơ bệnh án của bệnh nhân rất vất vả, bụi mù mịt. Có nơi bệnh án nặng hàng cân còn rơi xuống người vì xếp chồng quá cao.
Với bệnh án điện tử, lệnh duy nhất bác sĩ cần làm khi tìm kiếm hồ sơ là cltr+F.
Đặc biệt, bệnh án điện tử tiết kiệm rất nhiều về nhân lực. Trước kia, mỗi khoa lâm sàng cần phải có một điều dưỡng hành chính để cập nhật thông tin. Nhưng nay không cần nhân lực làm việc này mà thông tin vẫn được cập nhật hằng ngày.
Một số bệnh viện lớn mỗi năm dành khoảng 2 tỷ đồng chi phí in ấn hồ sơ bệnh án giấy, bệnh án điện tử tất nhiên sẽ tiết kiệm được khoản này. Bệnh án điện tử cũng nói không với đơn thuốc in giấy, hoặc viết tay, không còn cảnh bệnh nhân dịch không ra chữ bác sĩ. Bác sĩ cũng không cần bút, sổ giấy nữa.
Với phim nhựa, nếu được bảo hiểm y tế thanh toán, các bệnh viện hạng II như Mỹ Đức, Vân Đình có thể tiết kiệm từ 1-2 tỷ đồng chi phí in phim hàng năm, chưa kể hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Chi phí lưu trữ cũng được tiết kiệm tối đa, chúng tôi chỉ mất vài chục triệu đồng mỗi năm thuê kho lưu trữ điện tử theo quy định tại Thông tư 46/2018 của Bộ Y tế. Với kho lưu trữ bệnh án giấy, khi triển khai bệnh án điện tử sẽ không cần nữa, có thể “khóa” lại.
Lang thang từng viện để trải nghiệm
Nhiều bệnh viện muốn số hóa, chuyển đổi số nhưng sự quyết tâm, đồng thuận lại không hoàn toàn, đơn giản như chưa quyết tâm 100% xóa bỏ bệnh án giấy, vẫn để tình trạng nửa giấy nửa điện tử. Việc thuyết phục tạo sự đồng thuận ở các bệnh viện Mỹ Đức hay Vân Đình có khó khăn không, thưa ông?
- Ý chí quyết tâm của lãnh đạo viện đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số y tế. Theo tôi cần thể hiện hết bản miêu tả demo so sánh sự khác biệt khi triển khai bệnh án điện tử, chuyển đổi số, từ quy trình tiếp đón, quản lý vận hành, chặt chẽ, minh bạch ra sao, so với quy trình cũ để xem lợi ích chung tối ưu cho bệnh viện, bệnh nhân, thầy thuốc là gì. Những tình huống có thể sẽ phải gặp thường xuyên là gì, thay vì chỉ "chăm chăm" giải quyết những tình huống phát sinh chỉ 1-2 lần một năm, điều đó sẽ khiến ý chí chuyển đổi số chùn bước.
Bản thân tôi và các lãnh đạo viện cũng nhiều lần trả lời phản biện mọi vấn đề, mọi câu hỏi "Tại sao", "Để làm gì"... mà nhân viên đơn vị quan tâm.
Nhiều bệnh viện đã ứng dụng nhiều phần mềm khám chữa bệnh, quản lý bệnh viện, nhưng hoạt động đơn lẻ. Khó nhất là khi tập huấn sử dụng, liên kết các phần mềm, nhiều người sẽ thấy “quen quen”, nghĩ là dễ. Đến khi trực tiếp triển khai độc lập lại dễ vấp lỗi, nhân viên y tế sẽ có phản xạ là đổ lỗi ngay cho phần mềm khó dùng, phức tạp. Vì thế, việc tập huấn kỹ lưỡng cần được triển khai rất thuần thục.
Chuyển đổi số, bệnh án điện tử là bước tiến lớn với nhiều viện, đòi hỏi sự chuyển đổi tư duy đến hành động của từng nhân viên. Tôi từng "lang thang" quan sát, tìm hiểu cách vận hành, phản ứng của bệnh nhân, thầy thuốc tại nhiều bệnh viện lớn để học hỏi, trước khi đưa ra ý tưởng cho bệnh viện mình quản lý. Có những bệnh viện tôi đi một mình tới 3-4 lần, nhặt nhạnh, nghiên cứu...
Nhân viên y tế của tôi cũng chịu khó đến học hỏi các cơ sở khác để tự mình tham quan thực tế, trải nghiệm điều hay của đơn vị bạn. Cùng tiếp nhận 1.000 bệnh nhân khám ngoại trú mỗi ngày, tại sao viện bạn không ùn tắc chờ đợi, nhân viên y tế không mướt mồ hôi, nhưng viện mình lại bị? Đó là do hiệu quả của quy trình quản lý bằng công nghệ.
Theo ông có nên triển khai thí điểm bệnh án điện tử tại một số khoa, phòng trước khi áp dụng toàn viện?
- Triển khai bệnh án điện tử phải kết nối liên kết đồng bộ phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), HIS-LIS, PACS...
Tôi nghĩ không nên triển khai thí điểm từng khoa, phòng trước khi triển khai toàn viện mà nên làm đồng bộ vì tất cả các khoa, phòng đều liên quan đến nhau, rất nhiều bệnh nhân khám và điều trị nhiều khoa, không thể chỗ này giấy, chỗ kia điện tử.
Kể cả đầu tư công nghệ thông tin theo tôi cũng nên đầu tư ở mức độ tốt nhất nếu có thể, và nên đồng bộ, đó là cách tiết kiệm nhất và hiệu quả nhất. Thay vì tư duy đầu tư ở mức thấp, chờ đợi có tiền mới nâng cấp dần, cách làm này có thể sẽ lãng phí…