“Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia” là 1 trong 5 hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019. |
Trong khuôn khổ hội thảo chuyên đề “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia” được tổ chức chiều 2/10 tại Hà Nội, các nhà quản lý cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận bàn tròn về hướng tới mô hình đô thị thông minh phát triển bền vững, dưới sự điều phối của ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc BKAV.
Tại phiên thảo luận này, ông Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh đang được các bộ, ngành, địa phương quan tâm. Cho đến nay, cả nước có hơn 30 địa phương đã và đang phê duyệt và triển khai các đề án, dự án thúc đẩy phát triển đô thị thông minh.
Đầu tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó xác định rõ các quan điểm, nguyên tắc phát triển đô thị thông minh.
Vị Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị nhấn mạnh 2 quan điểm, trước hết là phát triển đô thị thông minh phải đảm bảo tính thống nhất, tối ưu hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ICT hiện có dựa trên Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo khả năng tương tác, hoạt động đồng bộ của đô thị thông minh cũng như giữa các đô thị thông minh; sử dụng các chỉ số chính đánh giá về hiệu quả hoạt động (KPI) cho đô thị thông minh.
Phát triển đô thị thông minh cũng phải dựa trên thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, ứng dụng các công nghệ hiện đại, đồng bộ nhưng phải đảm bảo tính trung lập về công nghệ, có khả năng tương thích với nhiều nền tảng, đảm bảo an toàn an ninh mạng, an ninh mạng và thông tin cá nhân của người dân.
“Điều này nói lên rằng, chúng ta có các giải pháp phát triển đô thị thông minh khác nhau, có sự sáng tạo, sự tham gia đa dạng, phong phú nhưng cùng với đó cũng đòi hỏi cần có một sự thống nhất. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã xác định 10 nhóm giải pháp từ việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, phát triển hệ thống các quy chuẩn tiêu chuẩn, hình thành và kết nối các cơ sở dữ liệu, áp dụng công nghệ thông minh... cho đến xây dựng tiềm lực phát triển đô thị thông minh bền vững, tăng cường đầu tư, tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế và tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đô thị thông minh. Những việc này không chỉ của riêng Bộ Xây dựng mà còn có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và quan điểm chung là mong muốn có sự tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp”, ông Thái cho hay.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng việc xây dựng đô thị thông minh cần có sự tham gia của nhiều thành phần, đặc biệt là những tập đoàn công nghệ đủ lớn (Ảnh minh họa) |
Từ kinh nghiệm triển khai tại Hàn Quốc, ông Nam-Cheol Baik, Viện Công nghệ kỹ thuật và Xây dựng Hàn Quốc nhấn mạnh đến sự tương tác giữa các thành phần kinh tế trong việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh. Ông cũng cho biết cần thiết có sự tham gia của những tập đoàn công nghệ đủ lớn để có thể triển khai đô thị thông minh một cách bài bản, bền vững.
Còn theo ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc chiến lược VNPT-IT, đến nay VNPT đã tham gia xây dựng đề án, ký thỏa thuận hợp tác phát triển đô thị thông minh với hơn 20 tỉnh, thành phố. Chuyển đổi số cho một đô thị đi theo các bước cơ bản gồm: khảo sát hiện trạng, làm việc với lãnh đạo để xác định mức độ ưu tiên, dựa trên thực tế về tài chính để dựng lên lộ trình.
“Có 3 hướng tiếp cận, đó là “Mỏ neo” - Bám vào thế mạnh để xây dựng trước, hướng này phù hợp với các đơn vị đặc thù, chẳng hạn để phát triển du lịch, ví dụ như Phú Quốc, Đà Lạt; “Nền tảng” - Phát triển nền tảng trước, như TP.HCM, Hà Nội; và “Thử nghiệm” - Thử nghiệm nhiều thứ, thứ gì phù hợp nhất, tốt nhất thì áp dụng”, ông Kiên chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công nghệ FPT IS chia sẻ tại hội thảo "Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia” ngày 2/10. |
Nhấn mạnh tầm quan trọng, sứ mệnh của dữ liệu nhất là dữ liệu mở trong triển khai thành phố thông minh, ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin - FPT IS cho rằng, dữ liệu chính là trái tim của thành phố thông minh và dữ liệu mở là yếu tố tạo nên thành công của thành phố thông minh. Tuy nhiên, theo ông Việt, vấn đề của Việt Nam hiện nay là chưa có văn hóa chia sẻ dữ liệu dùng chung.
Trong bối cảnh đó, theo Giám đốc Công nghệ FPT IS Nguyễn Xuân Việt, FPT đề xuất giải pháp xây dựng ngân hàng dữ liệu, ưu tiên để mở các nguồn dữ liệu chất lượng cao và xây dựng CityAPI. Theo đó, ngân hàng dữ liệu sẽ được xây dựng thông qua việc thu thập mọi nguồn dữ liệu có được từ Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử và các nguồn khác; thu thập tổng hợp các nguồn dữ liệu từ các ban, ngành, lĩnh vực như kinh doanh, thuế, tài chính, dân số...
Để xây dựng CityAPI – Ngân hàng dữ liệu thành phố, các dữ liệu có cấu trúc, bán cấu trúc hay phi cấu trúc đều đưa vào kho dữ liệu để cung cấp cho người dân, chính phủ và doanh nghiệp. “Theo phương pháp cũ, các ứng dụng di động có thể truy cập nguồn dữ liệu qua cổng thông tin công của chính phủ. Nhưng với giải pháp của FPT, CityAPI sẽ tạo điều kiện cho tất cả các nhà cung cấp giải pháp đều có thể sử dụng. Đồng thời, giúp người dân tham gia tốt hơn. Ví dụ như, ứng dụng miễn phí tra cứu nơi khám chữa bệnh ở TP.HCM, có chức năng đánh giá cơ sở khám chữa bệnh, từ đó là nguồn thông tin để người dân tham khảo”, ông Nguyễn Xuân Việt phân tích.