Tham gia Hội thảo "Tư duy sáng tạo hệ thống theo trường phái Israel ứng dụng cho quản lý doanh nghiệp" sáng nay, 27/2/2014, ở Hà Nội với tư cách Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Tư duy thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa đã làm "nóng" hội trường với thông tin về hiện trạng khao khát các dự án sáng tạo của các công ty công nghệ như FPT.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi từng nghĩ ở Việt Nam không có tiền làm khoa học sáng tạo và khó thuyết phục được sếp đầu tư vốn để làm R&D. Sau vài năm đấu tranh để có nguồn kinh phí, hiện FPT đã dành khoảng 200 tỷ đồng riêng cho các dự án mới, dự án sáng tạo và làm R&D. Thế nhưng suốt một năm nay chúng tôi không dễ giải ngân được vì những dự án chưa thật sự mới và sáng tạo".
Nhìn rộng ra quy mô toàn quốc, Giám đốc Chiến lược FPT nhận định ở Việt Nam có hàng trăm ngàn dự án trên lý thuyết mà không có người bỏ tiền vào đầu tư, vì sản phẩm của những dự án này mà ra thị trường thì sẽ "chết" ngay, không có ai mua.
Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa nói: "Các doanh nghiệp Việt Nam phải ý thức được chúng ta cần sáng tạo một cách thực tế và có hệ thống. Hiện ở Việt Nam đã có rất nhiều giá trị sáng tạo nằm ở khắp nơi nhưng cần sắp xếp lại, tập trung sức mạnh lại và ra một lộ trình bài bản, có quy trình, kế hoạch thực hiện, có kinh phí và có kiểm soát. Ở tầm chiến lược quốc gia, Việt Nam cần phải tiếp thu sáng tạo toàn cầu thật tốt còn hơn là tập trung đi làm cái mới hoàn toàn. Gần đây, một số doanh nghiệp như FPT, Viettel,...đã bắt đầu chuyển dịch tư duy mạnh mẽ về công nghệ và sáng tạo. Đất nước này cần những người thực hiện hơn là những người nói quá nhiều đề tài sáo rỗng".
Liên quan tới tính sáng tạo của các dự án công nghệ, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm làm giám khảo cho nhiều cuộc thi lớn về CNTT-TT đã từng than phiền với ICTnews rằng các ý tưởng, dự án tham gia dự thi đều ở mức "bình bình", hiếm thấy sự sáng tạo đột phá về công nghệ. Nhiều năm qua, những cuộc thi như Nhân tài đất Việt,... đều lặp đi lặp lại câu chuyện để trống ngôi vị "quán quân". Sáng tạo đang là một thách thức lớn đối với sự phát triển CNTT-TT Việt Nam nói riêng và sự phát triển đất nước nói chung.