Chiều 26/2, trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại về việc bị ngăn chặn chuyển dịch tài sản liên quan đến mình, ông Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc CDC Khánh Hòa, nói: “Tôi đang điều trị F0 tại nhà mấy ngày nay, đến giờ này không thấy ai nói gì cả và chưa nhận được thông tin từ cơ quan chức năng về việc cấm chuyển nhượng, mua bán tài sản liên quan đến mình. Còn việc này tôi chỉ đọc qua báo chí mà thôi, việc của công an thì họ cứ làm thôi".
Khi PV đặt câu hỏi những vấn đề liên quan trong việc mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á thì ông Huỳnh Văn Dõng nói: "Tôi không thể trả lời được, vì thanh tra sở và công an tỉnh đang làm". Trước đó, khi trả lời PV Tiền Phong về vấn đề này thì Giám đốc CDC Khánh Hoà từng khẳng định mình đã làm đúng quy định: "Chúng tôi mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á theo hình thức đấu thầu rộng rãi, đàng hoàng, nghiêm túc và đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi không tơ hào gì đồng nào trong chuyện này cả, ai ra giá thấp nhất thì mình chọn thôi".
CDC Khánh Hoà đã mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á qua trung gian. Ảnh THỤC HIỀN. |
Trước đó, chiều 25/2, Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết đã yêu cầu ngành chức năng ngăn chặn việc sang nhượng, mua bán, cho tặng tài sản của 10 người, trong đó có Giám đốc CDC Khánh Hòa. Theo đó, Công an tỉnh Khánh Hòa không cho chuyển tài sản của 10 người sau đây:
1. Huỳnh Văn Dõng (SN 1967, trú tại 27 Mê Linh, phường Tân Lập, TP. Nha Trang).
2. Dương Thị Hoài Mỹ (SN 1967, trú tại 25-27 Mê Linh, phường Tân Lập, TP. Nha Trang)
3. Trần Thị Thu Vân (SN 1983)
4. Phan Phương Ngọc (SN 1994)
5. Mai Thị Minh Truyền (SN 1975, trú tại Hùng Vương, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang)
6. Lương Thị Trong (SN 1978, trú tại Hương Lộ Ngọc Hiệp, phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang)
7. Nguyễn Thị Thanh Phong (SN 1979, trú thôn Trung 1, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà)
8. Phan Thị Ngọc Diễm (SN 1991, trú tại Lê Hồng Phong, phường Phước Hòa, TP. Nha Trang)
9. Trần Quốc Huy (SN 1981, trú tại tổ 1 Vĩnh Điềm Trung, phường Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang)
10. Hồ Thị Ngọc Trang (SN 1982)
Theo Công an tỉnh Khánh Hòa, việc không cho chuyển dịch tài sản những người nêu trên vì đơn vị này đang điều tra thông tin liên quan đến vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại CDC Khánh Hòa. Công an tỉnh khánh Hòa đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa làm việc với tất cả các văn phòng công chứng yêu cầu không thực hiện thủ tục công chứng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp tài sản của 10 người nói trên. Lãnh đạo Sở Tư pháp Khánh Hòa cũng cho biết, đơn vị này đã chuyển toàn bộ thông tin lên hệ thống phần mềm ngăn chặn của hệ thống công chứng.
Như Tiền Phong đã phản ánh, để phục vụ công tác chống dịch COVID-19 tại tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2020 - 2021, CDC Khánh Hòa đã mua hơn 63.000 kit xét nghiệm do Công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất thông qua công ty trung gian với số tiền hơn 26 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2020 CDC Khánh Hòa mua 4.700 kit xét nghiệm với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Năm 2021, CDC Khánh Hòa mua hơn 58.000 kit xét nghiệm với số tiền gần 24 tỷ đồng. Giá mua các bộ kít xét nghiệm từ 367.500 - 509.250 đồng/kit, bằng hình thức đấu thầu qua mạng và chào hàng cạnh tranh.
Theo Tienphong
Giám đốc CDC Khánh Hòa bị chặn chuyển dịch tài sản
Sở Tư pháp Khánh Hòa cho biết, đã yêu cầu các phòng công chứng không thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng, cho tặng, thế chấp tài sản đối với giám đốc CDC tỉnh này.