Ngày 1/7, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ một giám đốc bị bắt cóc.
Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Hoàng Văn Bình (SN 1986, Hải Phòng) và kháng cáo đòi bồi thường 72 tỉ đồng của bị hại là ông Lê Văn T. (SN 1977, giám đốc một công ty ở Đà Nẵng).
Phiên tòa xét xử vụ án |
Ông T. kháng cáo đòi bồi thường dân sự hơn 72 tỷ đồng. Ông cho rằng, ngoài tiền mặt, ông còn bị nhóm bắt cóc cướp ví, lấy đi 3 viên kim cương, trọng lượng 32 carat, tương đương với trị giá hiện nay là 72 tỷ đồng. Số tiền còn lại là ông T. đòi bồi thường cho các khoản khác.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng tháng 5/2018, giữa ông T. và nhóm Phạm Anh Tuấn (SN 1979), Nguyễn Thị Oanh (SN 1976, cùng ở Quảng Ninh) và Võ Sơn Long (SN 1971, Hà Tĩnh) góp vốn làm ăn.
Công việc làm ăn không thành, Long và Oanh cho rằng, anh Lê Văn T. còn nợ hơn 590 triệu đồng. Do nhiều lần tìm nhưng không gặp được ông T., Oanh nhờ người quen hỏi thăm nơi ở của “con nợ”.
Biết ông T. vừa từ Đà Nẵng ra Hà Nội, đang ở khu vực Văn Quán, Hà Đông, khoảng 4h ngày 26/10/2018, nhóm của Long, Oanh và Tuấn thuê Bình lái ô tô từ Quảng Ninh lên Hà Nội để bắt cóc.
Trưa hôm đó, cả bọn bắt ép, đe dọa, buộc nạn nhân phải lên ô tô, đưa về Quảng Ninh rồi uy hiếp, đánh, đòi ông T. phải trả nợ. Nhóm bắt cóc ép ông T. viết giấy nhận nợ hơn 590 triệu đồng.
Từ ngày 26-29/10/2018, ông T. bị nhốt tại nhiều nơi ở Quảng Ninh, bị đánh đập nhằm đòi nợ. Nhóm bắt cóc còn lục soát, lấy tài sản của ông T., dùng còng số 8 khóa 2 tay để nạn nhân không thể trốn.
Thậm chí ông T. bị ép cung cấp mật khẩu thẻ ATM để nhóm đòi nợ ra ngân hàng rút hơn 200 triệu đồng.
Ngày 29/10/2018, ông T. được thả về. Ngày hôm sau, ông đến công an tố giác hành vi phạm tội của nhóm bắt cóc.
Bác kháng cáo
Theo lời khai của nạn nhân tại CQĐT, tổng số tiền ông bị chiếm đoạt trong tài khoản là 229 triệu đồng, 2 điện thoại di động, 30 triệu đồng trong ví, cùng 3 viên kim cương trị giá 250.000 USD (khoảng hơn 5 tỷ đồng).
Về nguồn gốc 3 viên kim cương, ông T. khai đã mua khi đi du lịch ở Lào vào năm 2005 hoặc năm 2008. Tuy nhiên, kết quả tra cứu xuất, nhập cảnh của ông T. xác định, trước năm 2011, ông không xuất cảnh ra nước ngoài.
CQĐT yêu cầu nhưng ông T. không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn mua bán 3 viên kim cương.
Qúa trình điều tra, đã thu giữ được tại nơi ở của Tuấn 3 viên đá trị giá 15.000 đồng. Tuấn khai, đã lấy 3 viên đá đó trong túi của ông T. rồi cất giấu tại nơi ở, cho đến khi bị công an thu giữ.
Khi bắt giữ Phạm Anh Tuấn, CQĐT đã thu giữ của người này 0,911gam heroin Tuấn dùng để sử dụng. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị người này 23 năm tù vì 3 tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật, cướp tài sản và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Những người khác nhận 24 tháng đến 15 năm tù vì tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật và cướp tài sản. Riêng Bình nhận 24 tháng tù vì tội Bắt giữ người trái pháp luật.
HĐXX cấp sơ thẩm cũng buộc các bị cáo phải bồi thường cho ông T. số tiền mà các bị cáo đã chiếm đoạt thực tế là hơn 200 triệu đồng, cùng những khoản khác theo quy định của pháp luật (tiền thuốc men, tổn thất tinh thần...)
Sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm đã bác kháng cáo của bị cáo Bình và ông T., quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Giám đốc bị nhóm người bắt cóc, ép ra ngân hàng rút tiền
Vị giám đốc ở Đà Nẵng bị nhóm người bắt cóc, đưa về nhốt ở Quảng Ninh, bị đánh đập, ép ra ngân hàng rút tiền đưa cho chúng.
T.Nhung