Diễn đàn giám đốc bệnh viện cần nhà quản lý giỏi hay cần giáo sư trên VietNamNet đã nhận được hàng nghìn phản hồi từ độc giả trong và ngoài ngành.

>> Giám đốc bệnh viện cần gì giáo sư?

Số đông độc giả đồng thuận nên tách bạch giữa quản lý và chuyên môn tại các bệnh viện. Người lãnh đạo cần phải quản trị giỏi, biết cách dùng người, trong khi các giáo sư, tiến sĩ (GS, TS) có chuyên môn sâu nên tập trung chữa trị và giảng dạy, nghiên cứu.

Giám đốc không nhất thiết phải là GS, TS

Bạn đọc Nguyễn Sơn nhận xét: "Khám chữa bệnh ở bệnh viện công hiện nay không có bất cứ một qui trình nào cả. Y tế là nơi tập trung rất nhiều người tài giỏi, nhưng quản trị thì vô cùng yếu. Vì vậy giám đốc bệnh viện không nhất thiết phải là GS.TS mà cần nhất là người có năng lực quản lý giỏi".

Độc giả Nguyễn Văn Hà cho rằng, Việt Nam hiện đang là đất nước sính bằng cấp và danh hiệu. Không chỉ tại các bệnh viện, giám đốc cứ nhất nhất phải là GS, TS mà nhiều cơ quan khác cũng như vậy.

Đây sẽ là một sự uổng phí khi đưa một chuyên gia kỹ thuật giỏi sang làm quản lý hành chính. 

{keywords}
Một ca ghép tạng tại Việt Nam

"Giỏi chuyên môn kỹ thuật và giỏi quản lý là hai chuyện khác nhau. Nhiều người có trình độ chuyên môn rất xuất sắc nhưng khi làm quản lý thì rất dở. Việt Nam cứ hô hào sử dụng nhân tài nhưng nhân tài ở lĩnh vực nào phải đặt đúng vị trí của lĩnh vực đó", độc giả Hà nêu.

Dẫn thực tế tại Pháp, độc giả có nickname Nguoixaydung cho biết, tại quốc gia này dù bệnh viện công hay tư, chức vụ giám đốc đều do người được đào tạo về quản lý kinh tế đảm nhiệm, không hề là bác sĩ hay có chuyên môn về khám chữa bệnh.

"Chất lượng dịch vụ của họ thì không có ngôn từ xứng đáng để khen. Họ không có các câu khẩu hiệu kiểu như “lương y như từ mẫu" ở khắp nơi, nhưng chất lượng vận hành thì ngắn gọn như thế này nhé: Siêu sạch sẽ, đội ngũ nhân viên từ trên xuống dưới đều ân cần nhẹ nhàng động viên bệnh nhân, không phân biệt người giàu kẻ nghèo, da trắng hay da màu. Người nhà không phải làm việc gì kể cả việc cho ăn uống, vệ sinh thân thể, vùng kín cho bệnh nhân. Không phong bao phong bì. Không có chuyện ùn tắc, chen lấn".

Bạn đọc Lê Hoàng Long cũng dẫn chứng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là một nhà quản trị, không phải nhà quân sự. Vị trí này ở Nhật cũng được giao cho một phụ nữ.

"Ở những cấp đứng đầu 1 tổ chức, thời gian họ làm công việc quản lý và lãnh đạo chắc chắn phải hơn 90%, vì vậy rất hợp lý nếu giám đốc bệnh viện là 1 nhà quản lý", anh Long viết.

Độc giả cũng nhận xét: Tâm lý lạ của người Việt là không phục sếp không giỏi chuyên môn hơn mình. Câu cửa miệng của họ thường là "cái lão ấy thì biết cái gì?".

Đồng quan điểm, độc giả Nông Văn Tư nêu thực tế: "Giám đốc bệnh viện mà không có học hàm, học vị thì các cán bộ chuyên môn cấp dưới không phục, thậm chí khinh, dù trình độ năng lực quản lý có giỏi đến mấy".

Giám đốc phải giỏi cả chuyên môn

Để tránh tình trạng cấp dưới... khinh, nhiều ý kiến cho rằng với đặc thù ngành y, giám đốc bệnh viện cần giỏi cả chuyên môn và quản lý.

"Giám đốc bệnh viện là GS, TS càng tốt chứ sao. Họ có trình độ chuyên môn cao, cần thiết sẽ trực tiếp xử lý những vấn đề người khác chưa làm được, trong đó có cả khâu đào tạo. Những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu phức tạp vậy họ còn học được nữa là học cách quản trị. Khi có chuyên môn mới quản lý được chứ", bạn đọc Trần Xuân Huyên bình luận.

Một độc giả khác cho rằng, nhập gia phải tùy tục, hiểu người mới làm việc cùng được. Việt Nam khác các nước phương Tây, không thể ôm nguyên mô hình nước họ vào quản lý nước mình.

"Phương Tây họ minh bạch, làm quản lý sống bằng lương, cơ chế luật pháp chặt chẽ. Họ làm sai thì chắc chắn xin từ chức. Ở Việt Nam thì sao?", bạn đọc phân tích.

Nhiều độc giả cũng đặt câu hỏi, giám đốc không có chuyên môn thì làm sao biết cấp dưới có chẩn trị đúng hay không, làm sao xử lý được vấn đề chuyên môn, làm sao để đội ngũ GS, TS, bác sĩ tâm phục, khẩu phục?

Quản tốt nhưng yếu chuyên môn, bác sĩ giỏi sẽ bỏ đi

"Tôi từng biết có bệnh viện tư nhân, ông bố sáng lập và điều hành thì tốt, sau chuyển cho con là thạc sĩ quản trị kinh doanh ở nước ngoài về điều hành thì be bét. Các bác sĩ giỏi cứ dần bỏ đi hết", bạn đọc Minh Thư chia sẻ.

Bạn đọc Trung Sơn gợi ý: "Những nhà chuyên môn giỏi, nếu có ý định bổ nhiệm giám đốc thì nên đào tạo họ về quản lý trước rồi bổ nhiệm sau".

Dù ủng hộ giám đốc bệnh viện không nhất thiết phải có học vị chuyên ngành y cao, mà phải có trình độ quản lý cao, độc giả Ngọc Hà trăn trở với những cơ chế ràng buộc trong việc bổ nhiệm lãnh đạo tại các bệnh viện công như hiện nay thì rất khó.

"Cơ chế bổ nhiệm giám đốc khá nhiêu khê. Nào phải trong quy hoạch, lấy phiếu tín nhiệm cấp cơ sở, lên Sở Y tế, Sở Nội vụ, UBND, Thường vụ tỉnh, Thành ủy".

Chị Hà cho rằng cần điều chỉnh cơ chế quản lý bổ nhiệm hiện nay. Đó là thi tuyển rộng rãi trong nội bộ ngành, các ứng viên phải  trình bày đề án, mô hình quản lý, vận hành cụ thể sau khi nhậm chức. Đồng thời, có bằng quản trị kinh doanh. Như vậy mới hy vọng có một bộ máy vận hành hiệu quả.

Bạn có đồng quan điểm Giám đốc bệnh viện không cần học hàm giáo sư, hoặc ý kiến khác gửi về [email protected]. Ý kiến phù hợp sẽ đăng tải. 

T.Hạnh