Đó là chia sẻ của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú tại họp báo thường kỳ thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 9 tháng đầu năm và định hướng điều hành những tháng cuối năm 2021, ngày 12/10.
Báo cáo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ, đại diện NHNN cho biết, đến ngày 07/10, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020. Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành, tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm. Giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng. Giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên với tổng mức giảm là 1,5%/năm (hiện ở mức 4,5%/năm). Sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD).
Trong các tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội Ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Đề xuất bỏ 2 trong 3 điều kiện vay vốn để giúp doanh nghiệp tiếp cận gói vay trả lương nhân viên với lãi suất 0% |
Báo cáo từ các TCTD cho thấy, đến cuối tháng 9/2021, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/01/2020 cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.
Về kết quả triển khai cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng. Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/01/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không, NHNN đã tái cấp vốn cho các ngân hàng để các ngân hàng cho vay với VNA. Các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ với VNA và thực hiện giải ngân tổng số tiền 4.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn cho thu mua, tiêu thụ lúa gạo, sau hơn 01 tháng kể từ khi có chỉ đạo của NHNN tại Công văn 5747/NHNN-TD, dư nợ cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng gần 5.000 tỷ đồng, hạn mức cấp tín dụng tăng 1.500 tỷ đồng.
Liên quan đến chính sách cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, cập nhật mới nhất đến cuối tháng 9/2021, NHNN đã giải ngân tái cấp vốn 462 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo Nghị quyết 68 số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn để trả lương 130.741 lượt người lao động.
Ông Tú nhận định, con số giải ngân chưa phải là lớn so với tổng số 7.500 tỷ đồng của gói cho vay nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã và đang rất tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, qua quá trình thực hiện, tiếp thu ý kiến đề xuất của các đơn vị, doanh nghiệp, một số điều kiện cần được chỉnh sửa để chính sách đi vào thực tiễn.
Theo đó, thay vì phải đảm bảo đủ 3 điều kiện của gói vay vốn là doanh nghiệp phải dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc cho người lao động ngừng việc tối thiểu 15 ngày liên tục (từ 1/5 đến hết tháng 3 năm sau), không có nợ xấu và phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020, NHNN đề xuất Chính phủ bỏ 2 điều kiện cuối "mở đường" cho doanh nghiệp có thể vay vốn để trả lương nhân viên, phục hồi sản xuất.
Do đó, gói cho vay lãi suất 0% trả lương nhân viên có thể chỉ còn một điều kiện duy nhất là doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc cho lao động có đóng bảo hiểm xã hội ngừng việc trong ít nhất 15 ngày, ông Tú cho hay.
Cũng theo ông Tú, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai tín dụng chính sách. Hỗ trợ tín dụng để góp phần không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giá trị, chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa. Đánh giá khó khăn của nền kinh tế, các địa phương, các đối tượng, ngành nghề và loại hình doanh nghiệp để có các giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, một trong những giải pháp được triển khai rất hiệu quả thời gian qua, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; Phối hợp chính quyền địa phương tỉnh, thành phố để cùng với các chính sách tài khóa, thương mại, xuất nhập khẩu hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục chỉ đạo TCTD tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".
Hà Giang