Phòng khám theo mô hình “khoang máy bay”
Mắc bệnh tiểu đường, bà Nguyễn Thị Nguyệt (63 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) phải khám, lấy thuốc định kỳ hàng tháng. Trước đây, mỗi lần đến viện, bà thường mất một buổi sáng, thậm chí có hôm bệnh nhân quá đông, bà phải ở lại viện chờ đến chiều lấy kết quả và nhận thuốc.
“Tôi không đi được xe máy nên các con thường đưa đi viện từ 5h30 - 6h sáng để xếp hàng lấy số khám. Chờ lấy được số đã mất ít nhất một tiếng nhưng nào có được khám ngay. Lại tiếp tục chờ thêm hàng tiếng nữa mới đến lượt khám. Lắm lúc chờ lâu đói muốn tụt đường huyết”, bà Nguyệt kể.
Nhiều người do ngại phải chờ đợi đã chọn đi khám dịch vụ nhưng với những người bệnh mãn tính, người già thu nhập thấp như bà Nguyệt thì việc khám bảo hiểm y tế là lựa chọn tối ưu. Dù có phải chờ lâu, bà cũng cố chịu.
Thế nhưng hơn một năm nay, bà Nguyệt không còn phải cảnh đi khám từ “tinh mơ gà gáy”. Trước mỗi ngày khám định kỳ hàng tháng, bà đều nhận được điện thoại từ tổng đài Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nhắc lịch hẹn với thời gian cụ thể.
Sự thuận tiện này không chỉ với riêng những bệnh nhân mãn tính như bà Nguyệt mà cả người nhà: không còn cảnh lao đến viện để rồi lại phải chờ đợi bởi đã có hẹn thời gian, địa điểm rõ ràng.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là bệnh viện đa khoa hạng I của Hà Nội. Số giường kế hoạch là 660 nhưng giường thực kê lên tới 880. Bệnh viện có 60 bàn khám nhưng phải đón tiếp từ 1.700 - 2.000 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Vì thế gây nên hiện tượng ùn ứ quá tải, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm: Buổi sáng chật người ở sảnh tiếp đón, cuối giờ trưa lại nghẽn cứng ở quầy phát thuốc.
“Đây là tình cảnh không chỉ riêng tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang mà là thực trạng chung tại nhiều bệnh viện hiện nay”, Tiến sĩ - bác sĩ Trần Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nhận định.
Trước thực trạng này, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang quyết định chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý bệnh nhân ngoại trú và điều trị nội trú. Điểm nổi bật nhất mà bệnh viện thực hiện tốt trong thời gian qua là việc số hóa các phòng khám theo mô hình “khoang máy bay”. Người bệnh có thể đặt lịch khám và “Check in” dễ dàng.
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Văn Thường cho biết, hiện tại, 100% người bệnh mạn tính được đặt lịch hẹn khám. Bác sĩ có thể chủ động phân bổ lịch hẹn khám cho bệnh nhân từ 1 tháng trước. Nhờ vậy, người bệnh không còn cảnh phải đi từ 5h – 6h sáng để xếp hàng, lấy số.
Từ khi triển khai hệ thống tổng đài tự động gọi điện nhắc lịch hẹn khám cho người bệnh, 85 – 90% người bệnh đến đúng giờ, đúng ngày.
Không chỉ giúp bệnh nhân hết cảnh chờ đợi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang còn nỗ lực xây dựng dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử mạn tính cho gần 11.000 hồ sơ ngoại trú (trong đó có 5.000 hồ sơ điện tử của bệnh nhân tăng huyết áp; 4.000 bệnh nhân đái tháo đường; 1.200 bệnh nhân mắc các bệnh hen- phổi tắc nghẽn (COPD); 600 bệnh án cho bệnh nhân viêm gan và 150 bệnh nhân ung bướu).
Hiệu quả cao song vẫn còn hạn chế
Những năm qua, cả nước gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Nhiều thời điểm các bệnh viện quá tải bệnh nhân mắc Covid-19. Đó cũng chính là thời điểm công nghệ thông tin trở nên vô cùng hữu ích trong công tác khám chữa bệnh.
Bệnh viện Trung ương Huế đã sử dụng robot Ohmni và Tâm An trong việc khám và điều trị các bệnh nhân bị cách ly. Theo đó, hệ thống camera của robot có thể ghi lại hình ảnh và theo dõi diễn biến sức khỏe bệnh nhân. Robot có thể vận chuyển thuốc men, nhu yếu phẩm tới phòng bệnh.
Bệnh viện cũng đã bước đầu triển khai robot Lễ tân - sử dụng tại các quầy tiếp đón để giới thiệu thông tin về bệnh viện và hướng dẫn người dân làm thủ tục khám bệnh.
Cảm nhận rõ nhất hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh từ xa, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2020, ngay khi xuất hiện bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, Cục đã thành lập Trung tâm Quản lý điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid-19 để đẩy mạnh hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa.
Trung tâm có khả năng kết nối đến 23 điểm cầu trọng điểm chống dịch và trên 1.400 bệnh viện trên cả nước. Đã có hàng trăm buổi hội chẩn quốc gia và họp chuyên môn trực tuyến để nâng cao công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 được thực hiện, giúp nâng cao năng lực xử lý dịch bệnh của hệ thống khám, chữa bệnh, kịp thời đối phó với các cấp độ kịch bản bệnh dịch...
Đánh giá về việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các bệnh viện trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhìn nhận, trong bối cảnh 2 năm đại dịch vừa qua, ngành y tế đối diện nhiều khó khăn nhưng đã triển khai thành công Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, khai trương 1.000 điểm cầu trên cả nước. Đến nay, đề án đang được tích cực triển khai, lan tỏa ra khắp mọi miền Tổ quốc, với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế “đã có nhiều cố gắng” nhưng “việc phát triển ứng dụng vẫn còn hạn chế”, dẫn đến “việc phát triển công nghệ thông tin tại các bệnh viện rất khác nhau”.
Đầu tiên phải kể đến cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin còn chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý. Tiếp đó, hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa liên thông với nhau. An toàn thông tin và nhiều yêu cầu về công nghệ thông tin còn chậm triển khai. Nguồn lực dành cho công nghệ thông tin còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng chưa đồng bộ…
“Những hạn chế trên dẫn đến sự khác nhau trong phát triển ứng dụng công nghệ thông tin giữa bệnh viện công lập với bệnh viện tư nhân và giữa bệnh viện các tuyến. Nơi nào lãnh đạo quan tâm, nơi đó công nghệ thông tin sẽ phát triển hơn, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, giảm thời gian chờ đợi, giảm sai sót, nhầm lẫn, tăng cường tính công khai, minh bạch… và chắc chắn người bệnh sẽ hài lòng hơn”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.
Sẽ có cơ chế tài chính hỗ trợ chuyển đổi số
Tại Hội thảo Ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh diễn ra hôm 17/11/2022, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia với mong muốn đưa công nghệ tới gần các y, bác sĩ và người dân hơn. Từ đó, các y, bác sĩ thực hiện công việc của mình tốt hơn, và người dân sử dụng dịch vụ tiện lợi hơn. Ví dụ như quét mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Đồng ý với quan điểm cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong ngành y tế, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh.
Được biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung xây dựng hướng dẫn về chuyển đổi số khám chữa bệnh, quy trình triển khai bệnh án điện tử, bảo mật, an ninh an toàn dữ liệu; sửa đổi tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện theo hướng chuyển đổi số.
“Bộ Y tế sẽ xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ chuyển đổi số khám chữa bệnh, hướng dẫn lập dự án đầu tư công nghệ thông tin, và tiếp tục hoàn thiện các nền tảng số: Hồ sơ sức khoẻ điện tử, Trạm y tế xã, Khám chữa bệnh từ xa, Kê đơn thuốc điện tử...”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.
Lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở tích cực triển khai Đề án 06 (liên thông giấy chứng sinh, báo tử, khám sức khoẻ lái xe), kê đơn điện tử, hồ sơ sức khoẻ điện tử, bệnh án điện tử, cơ sở dữ liệu nguyên nhân tử vong…, góp phần kiện toàn mạng lưới quản lý công nghệ thông tin.
Đồng thời cũng đề nghị các doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu phát triển thêm nhiều ứng dụng trên nền tảng web, cloud (điện toán đám mây) để giảm chi phí, rút ngắn thời gian triển khai, vận hành bảo trì; tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở khám chữa bệnh giảm chi phí; nghiên cứu phát triển các mô hình BigData (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo) để hỗ trợ ra quyết định lâm sàng (DSS)…
Ngô Huyền
(Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Quý Mão 2023)
Thanh toán không tiền mặt giúp giảm tải cho ngành Y tế
Khi công nghệ tiếp sức ngành y
Với sự ra đời của Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia, 2 lực lượng công nghệ và y tế đã tìm được tiếng nói chung để giải nhiều bài toán, để công nghệ tham gia vào cuộc thực chiến cùng ngành y chống dịch.