Vinh danh những thành tựu khoa học công nghệ có ý nghĩa toàn cầu

- Trên thế giới đã có nhiều giải thưởng khoa học công nghệ như giải Nobel, giải Fields, giải Thành tựu đột phá Breakthrough, giải Queen Elizabeth, giải Tang… Vậy tại sao cần thêm giải thưởng VinFuture, thưa giáo sư?

Tôi rất tâm đắc với chia sẻ của ông Phạm Nhật Vượng, người sáng lập và cũng là Chủ tịch Quỹ VinFuture: “Các biến cố của năm 2020 đã cho thấy hơn bao giờ hết, chúng ta cần đồng hành với những trái tim nhân hậu và khối óc lỗi lạc đang nỗ lực phát huy sức mạnh của khoa học công nghệ, giúp thế giới vượt qua những thử thách cam go”. Chúng tôi tin rằng, khoa học công nghệ chính là động lực quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại, giúp người dân trên toàn thế giới có một cuộc sống bình an và hạnh phúc hơn, đặc biệt với những thách thức mà chúng ta đang trải qua.

Từ tầm nhìn đó, Quỹ VinFuture được thành lập với thành phần cốt lõi là giải thưởng VinFuture (VFP), nhằm vinh danh những trí tuệ xuất chúng, những thành tựu khoa học công nghệ và phát minh tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa toàn cầu, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho hàng tỷ người. Đặc biệt, chúng tôi tôn vinh những kỳ tích tác động trực tiếp đến đời sống của những nông dân, công nhân, người dân nghèo, dân tộc thiểu số… từ các quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, giúp họ cơ hội có một cuộc sống hạnh phúc hơn. Nói cách khác, VFP sẽ tạo lực đẩy để các nhà khoa học trên thế giới có thêm động lực mang tới những nghiên cứu có giá trị hơn nữa cho cuộc sống của nhân loại.

VFP còn là cơ hội nâng tầm vị thế người Việt trên trường quốc tế, ghi dấu Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới. Bởi đây là giải thưởng đến từ Việt Nam, do người Việt Nam sáng lập, điều này tạo nên sự khác biệt sâu sắc của giải thưởng.

{keywords}
 GS. Nguyễn Thục Quyên: "VFP còn là cơ hội nâng tầm vị thế người Việt trên trường quốc tế, ghi dấu Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới"

- Cụ thể sự khác biệt của VFP so với các giải thưởng khác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ trên toàn cầu là gì, thưa bà?

Điều khác biệt nằm trong chính nội dung các giải thưởng. VFP có 1 Giải thưởng chính và 3 Giải Đặc biệt. Riêng Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD (tương đương 70 tỷ đồng), là một trong những giải thưởng khoa học - công nghệ quy mô toàn cầu có giá trị lớn nhất cho đến nay. Giải này sẽ được trao cho tác giả của các nghiên cứu, sáng chế đột phá, đã được chứng minh có khả năng làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn và cải thiện môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.

Bên cạnh đó là các Giải VinFuture Đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ, cho tác giả nghiên cứu đến từ các nước đang phát triển và cho tác giả nghiên cứu, phát minh mang tính tiên phong trong lĩnh vực mới. Mỗi giải trị giá 11,5 tỷ đồng.

Theo đánh giá của tôi, đây là các giải thưởng thực sự rất “đặc biệt”. Trước nay, rất ít có giải thưởng tầm cỡ, có giá trị lớn dành cho tác giả nghiên cứu là phụ nữ hay đến từ các quốc gia đang phát triển. Bởi thế việc ghi nhận những đóng góp của nhóm nhà khoa học này thông qua giải thưởng VinFuture sẽ góp phần san bằng khoảng cách trong nghiên cứu khoa học, và mọi người dân trên thế giới đều được hưởng lợi ích từ việc này.

11 giáo sư hàng đầu thế giới và Việt Nam “cầm cân nảy mực” tại VFP

- Xin giáo sư cho biết, làm thế nào để được tham gia giải thưởng VFP và có giới hạn nào về đối tượng tham gia không?

Hoàn toàn không có giới hạn về quốc tịch, tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội. Tuy nhiên, các đề cử cần được giới thiệu bởi các nhà khoa học, các nhà phát minh uy tín quốc tế và các tổ chức nghiên cứu, giáo dục, viện hàn lâm quốc gia, các tập đoàn công nghệ, vườn ươm đổi mới sáng tạo danh tiếng. Hội đồng giải thưởng của VFP sẽ có trách nhiệm lựa chọn những người hay tổ chức đủ uy tín giới thiệu các đề cử này.

- Hội đồng giải thưởng gồm những ai và họ sẽ có nhiệm vụ gì, thưa bà?  

Hội đồng giải thưởng có nhiệm kỳ 3 năm, gồm từ 11 nhà khoa học, nhà phát minh uy tín quốc tế đến từ các trường đại học danh tiếng và viện nghiên cứu. Hội đồng này sẽ đánh giá và đưa ra danh sách người đạt giải một cách độc lập.

Chúng tôi rất vinh dự khi được các giáo sư hàng đầu thế giới nhận lời trở thành thành viên Hội đồng Giải thưởng. Hiện tại Hội đồng có 11 giáo sư rất nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới, trong đó có GS. Michael Porter (một trong 25 người tại ĐH Harvard hiện có học hàm giáo sư bậc cao nhất), GS.Gérard Mourou (người đạt Giải Nobel Vật lý 2018), GS. Leslie Valiant (được coi là “cha đẻ” của lý thuyết học máy), nữ GS.Jennifer Tour Chayes (Giải thưởng Women of Vision của Viện Anita Borg); hay GS.Kostya S. Novoselov (giải Nobel Vật lý năm 2010 ở tuổi 36)… và các nhà khoa học đầu ngành khác.

Các thành viên Hội đồng Giải thưởng sẽ đưa ra tiêu chí lựa chọn giải thưởng và các lĩnh vực trọng tâm, đánh giá các đề cử trong danh sách đã được chọn lọc và lựa chọn người đạt giải.

{keywords}
 

- Quy trình lựa chọn, đánh giá và trao giải thưởng sẽ được thực hiện như thế nào?

Hội đồng Giải thưởng sẽ xem xét độc lập để xác định quy trình đề cử trong phiên làm việc vào tháng Một hàng năm. Các đề cử sẽ được nhận hàng năm từ tháng Một đến hết tháng Sáu. Sau đó, Hội đồng Giải thưởng sẽ xem xét các đề cử trong khoảng thời gian từ tháng Tám đến tháng Mười. Cuối cùng, danh sách người đoạt giải sẽ được chính thức công bố vào tháng Mười hai hàng năm.

- Là người đi cùng VFP từ những ngày đầu tiên, bà kỳ vọng gì ở giải thưởng mang tầm vóc thế giới đầu tiên do người Việt sáng lập này?

Chúng tôi luôn tự hào rằng VinFuture có sự hỗ trợ đắc lực từ các giáo sư, các nhà khoa học Việt Nam cũng như thế giới, những người cùng chia sẻ sứ mệnh, lý tưởng, tầm nhìn, giá trị. Mạng lưới của chúng tôi có kế hoạch đi khắp nơi để trò chuyện, chia sẻ với các trường đại học, các tập đoàn công nghệ lớn, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm… để mọi người biết thêm về giải thưởng. Thông điệp của VFP “Khoa học phụng sự nhân loại” sẽ được lan tỏa và chia sẻ, tạo nên tầm ảnh hưởng lớn cho giải thưởng. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ thành công với sứ mệnh đã đặt ra.

Lan Hương (thực hiện)