Ngày 18-6, Sở GTVT TP Đà Nẵng đã có trả lời chính thức về chủ trương xây dựng hầm đường bộ qua sông Hàn trước nhiều câu hỏi, ý kiến phản đối của nhiều người dân, giới chức chuyên môn về việc xây dựng hầm đường bộ qua sông Hàn, đồng thời kiến nghị nên xây dựng thêm cầu mới qua sông Hàn, vì số tiền đầu tư xây dựng hầm quá lớn và chi phí bảo trì bảo dưỡng quá cao, tốn kém so với xây dựng cầu.

{keywords}

Hầm đường bộ qua sông Hàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông an toàn, thông suốt và liên tục, nhất là trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Việc xây dựng hầm đường bộ vượt sông Hàn nhằm bảo vệ, giữ gìn không gian thoáng đãng và tĩnh không tại quãng sông tuyệt đẹp ở giữa cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước.

Từ cuối năm 2015, khi UBND TP Đà Nẵng có chủ trương xây dựng hầm đường bộ qua sông Hàn với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng, cao gấp đôi so với xây dựng cầu Rồng hay cầu Trần Thị Lý, nhiều người dân và giới chức chuyên môn đã phản đối mạnh mẽ. Sau ngày 15-6-2016, khi UBND TP Đà Nẵng ủng hộ phương án xây dựng hầm qua sông Hàn với tổng mức đầu tư 4.088 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ dự án để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố sắp đến để thông qua, dư luận tiếp tục có nhiều ý kiến phản đối việc xây dựng hầm và kiến nghị nên xây dựng cầu.

Theo Sở GTVT TP Đà Nẵng, công trình qua sông Hàn (gồm hầm kín, hầm hở, đường dẫn...) có hướng tuyến đã được Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất là từ nút giao thông đường Đống Đa – 3 Tháng 2 – Trần Phú (thuộc Q. Hải Châu) sang nút giao thông đường Vân Đồn – Lê Văn Duyệt – Trần Hưng Đạo (thuộc Q. Sơn Trà). Tại các cuộc họp báo cáo lãnh đạo thành phố về phương án đầu tư công trình qua sông Hàn, các Sở và ngành liên quan dự họp đều thống nhất lựa chọn phương án xây dựng hầm (đặc biệt là ý kiến của Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng).

Với lý do hiện nay trên dòng sông Hàn chỉ còn quãng mặt sông giữa cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước là thông thoáng, khoảng không gian này rất cần thiết cho việc tổ chức các lễ hội, hoạt động du lịch trên sông. Hơn nữa, đoạn sông này đang có quy hoạch các bến du thuyền. Do đó, lựa chọn phương án xây dựng hầm sẽ không ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực cũng như hoạt động du lịch trên sông và không ảnh hưởng đến tĩnh không thông thuyền, đặc biệt là các thuyền buồm du lịch cần tĩnh không cao như thuyền buồm Clipper Race (có tĩnh không đến 27m). Cạnh đó, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, có được không gian thông thoáng trên mặt sông kết hợp với cảng sông Hàn như vậy là điều kiện tuyệt vời, tác phẩm tuyệt đẹp cho việc tổ chức lễ hội, hoạt động du lịch trên sông.

Sở GTVT TP Đà Nẵng bác phương án xây dựng cầu ở quãng sông giữa cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước bởi nếu xây dựng cầu sẽ làm ảnh hưởng đến không gian mặt nước cũng như hoạt động du lịch trên sông. Hơn nữa, để bảo đảm tĩnh không cho thuyền buồm du lịch thì phải xây dựng phương án cầu có tĩnh không cao, vượt cao trình mặt đường ven sông (đường Trần Hưng Đạo, Như Nguyệt, 3 Tháng 2), hoặc phải sử dụng phương án cầu nâng, cầu cất. Do đó, kinh phí xây dựng và giải phóng mặt bằng sẽ rất cao. Sở GTVT TP Đà Nẵng cũng cho rằng, bên cạnh bảo đảm không gian thoáng đãng và tĩnh không tại quãng sông tuyệt đẹp này, việc xây dựng hầm đường bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông an toàn, thông suốt và liên tục, nhất là trong điều kiện thời tiết bất lợi. Hiện Sở đang phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, hoàn thiện phương án thiết kế để báo cáo lãnh đạo thành phố xem xét, quyết định.

Trước đó, vào ngày 15-6-2016, tại cuộc họp báo cáo phương án thiết kế, thi công và nguồn vốn triển khai đầu tư dự án công trình vượt sông Hàn, Cty CP Tư vấn Thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC) thuộc Bộ GTVT cho biết, hầm đường bộ qua sông Hàn sẽ có tổng chiều dài 1.315m, trong đó đoạn hầm chìm dài 900m. Hầm có quy mô 6 làn xe cơ giới, độ dốc của hầm tối đa là 4%. Nút giao giữa đường hầm và đường bộ hiện trạng tại khu vực Q. Hải Châu có kết cấu nút giao khác mức. Nút giao tại khu vực Q. Sơn Trà là hầm hở chạy dọc theo đường Vân Đồn. Thời gian thi công trong 36 tháng với tổng mức đầu tư là 4.088 tỷ đồng, triển khai theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng – Chuyển giao).

Đơn vị tư vấn cũng đề xuất tiến độ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý II-2016; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào quý III-2016; phê duyệt thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án vào quý IV-2016; hoàn thành thi công và bàn giao công trình vào quý IV-2019... Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục làm việc với Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng để khớp nối với các dự án tại khu vực 2 nút giao thông ở bờ đông và bờ tây sông Hàn.

Cạnh đó, làm rõ thêm về tổng kinh phí đầu tư, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư, kế hoạch duy tu bảo dưỡng hằng năm, phương án phòng cháy chữa cháy và phương án ứng cứu khi có các tình huống, sự cố xảy ra. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp hoàn thiện phương án để báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy và tiếp tục được đưa ra báo cáo tại một kỳ họp HĐND để xin chủ trương triển khai vì đây là dự án đầu tư lớn và nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình chủ yếu sẽ được huy động từ nguồn đấu giá khai thác quỹ đất của thành phố.

Theo Báo Công an Đà Nẵng