Theo UNDP, rác thải nhựa từ đất liền trôi dạt ra biển đang ở mức rất báo động, lên tới hàng tỉ tấn mỗi năm. Việt Nam là một trong những quốc gia phát thải rác thải nhựa lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm nhựa.
Trong khi đó, theo khảo sát của Đại học Oxford, Đại học Leeds và Tổ chức Common Seas (Anh) công bố hồi năm 2020 rằng, dự kiến đến năm 2050, lượng rác thải nhựa được con người xả thẳng ra biển sẽ nhiều hơn khối lượng cá đại dương trên toàn thế giới.
Giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại Việt Nam
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Năm 2023, là năm chứng kiến những dấu mốc và những kết quả quan trọng Chương trình NPAP Việt Nam qua đề xuất hỗ trợ, chính sách, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các cơ hội đầu tư, khơi thông dòng tài chính đối với những giải pháp thiết thực nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.
“Đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang cùng hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, dự kiến thông qua vào năm 2024, Chương trình NPAP Việt Nam đã tích cực phối hợp các đối tác xây dựng mạng lưới kết nối chặt chẽ với các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế… thể hiện quyết tâm quản và giảm thiểu chất thải nhựa thông qua cách tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn”, ông Lê Ngọc Tuấn cho biết thêm.
Được biết, các nước đang chạy đua đàm phán liên chính phủ vì một hiệp ước toàn cầu về nhựa, trong đó nhiều nước đã sẵn sàng cam kết chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040. Với riêng Việt Nam, bà Ramla Khalidi, Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng: “Giải quyết ô nhiễm nhựa đòi hỏi một nỗ lực tập thể. Sự đóng góp của cả cộng đồng, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân sẽ là những nhân tố quyết định sự thành công và bền vững của các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nhựa cho Việt Nam”.
Cũng theo bà Ramla Khalidi, kinh nghiệm của UNDP cho thấy khu vực phi chính thức, đặc biệt là các phụ nữ thu gom chất thải, đóng vai trò quan trọng trong thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa. UNDP sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các đối tác liên quan tăng cường động lực cho Chương trình NPAP để đóng góp tích cực vào mục tiêu mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam “giảm thiểu đến 75% lượng rác thải nhựa ra biển vào năm 2030”.
Từ cam kết tới hành động thực tế
Đứng ở góc độ chủ nhà của Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, Việt Nam đang nỗ lực hết sức cho Kế hoạch hành động Quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa biển đến năm 2025, và những hướng dẫn quốc gia cập nhật về thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa.
Cũng theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, ngay trong tháng 12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong triển khai NPAP tại COP28, nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa. Việt Nam cam kết hành động và thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế với sự tham gia "chủ động hơn và bền vững hơn" trong thời gian tới. Bởi Việt Nam là quốc gia biển, hiểu rất rõ những tác động môi trường từ ô nhiễm nhựa, ô nhiễm trắng và các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng là thế nào.
“Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024, cũng như nhiều chính sách của Việt Nam về quản lý và xử lý chất thải trong đó có chất thải nhựa sẽ chính thức được thực hiện, Chương trình NPAP càng có vai trò quan trọng nhằm huy động của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp và kể cả mỗi người dân cùng tham gia chung tay thực hiện. Tôi kêu gọi các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, các tổ chức cùng chung tay để thực hiện mục tiêu chung của NPAP. Qua đó đóng góp vào nỗ lực chung chung toàn cầu cũng như thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm thiểu ô nhiễm nhựa”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị.