Hai nhà sáng lập của Nobita.pro gọi vốn tại Shark Tank. |
Xuất hiện tại chương trình Shark Tank phát sóng ngày 11/7, startup Nobita.pro với hai nhà sáng lập Nguyễn Kim Cương và Chu Đức đã thu hút được lời đề nghị của 4 trên 5 shark.
Nobita.pro là một giải pháp vận hành cho các nhà kinh doanh online bao gồm marketing đa kênh, hệ thống quản lý call center, xử lý đơn hàng và giảm tỉ lệ hàng hoàn thấp nhất. Nguyễn Kim Cương cho biết, hiện tại Nobita.pro có thể giảm từ 18% hàng hoàn còn 2-3% hàng hoàn cho khách hàng của mình.
Điểm khác biệt nhất của Nobita là hệ thống quản lý quan hệ khách hàng sẽ lưu trữ, theo dõi tất cả lịch sử của khách hàng, chăm sóc khách hàng và tiếp thị lại đến đúng đối tượng.
Nhà sáng lập Nobita.pro chia sẻ, từ khi ra mắt vào 6/2020, đến nay Nobita.pro đã có 9.000 khách hàng với tổng doanh thu 9 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch qua hệ thống hàng tháng từ 350 - 500 tỷ/tháng, dự kiến tăng trưởng lên 1.000 tỷ vào cuối quý 3 năm nay. Với mục tiêu lớn “Go global”, hai nhà sáng lập đã đến Shark Tank để kêu gọi 500.000 USD cho 7% cổ phần của công ty.
Nhà sáng lập Nguyễn Kim Cương cho biết, nguồn thu của Nobita.pro phần lớn đến từ việc cho các cửa hàng thuê phần mềm và thu tiền hoa hồng giao dịch từ bên thứ 3 như các dịch vụ vận chuyển, đóng gói. Dự kiến doanh thu năm 2021 của Nobita.pro sẽ cán mốc 30 tỷ, lợi nhuận 20%. Doanh thu tháng gần nhất là 1,6 tỷ, tăng trưởng 15 - 25%/tháng. Dòng tiền mỗi tháng dư tầm 300 - 400 triệu/tháng. “Năm nay lãi 15 - 20% nhưng sang năm trở đi, lượng khách hàng tái ký hợp đồng thì chi phí marketing giảm xuống hẳn thì lợi nhuận sẽ cao hơn”.
Đồng sáng lập Chu Đức cho biết hệ thống quản lý quan hệ khách hàng của Nobita.pro có thể biến một shop rất nhỏ có một dịch vụ chăm sóc khách hàng như một “ông lớn” trong lĩnh vực thương mại điện tử khác. Chu Đức cũng tiết lộ, mình từng là người kinh doanh nên hiểu rõ nhà kinh doanh online gặp những nỗi đau nào. “Em đang là nhà kinh doanh đi phát triển giải pháp còn các công ty khác thì phát triển giải pháp cho nhà kinh doanh”. Startup này cũng tự tin rằng sản phẩm và mô hình kinh doanh của mình không thể thất bại.
Cảm thấy thú vị với các hình thức AI Marketing, chăm sóc khách hàng một cách tự động, giảm bớt spam, khai thác dữ liệu một cách hiệu quả, Shark Hưng đồng ý đầu tư cho Nobita.pro 500.000 USD đổi lấy 35% cổ phần, kèm điều kiện sau một năm, Shark Hưng có thể exit trước nếu muốn. Từ 1 - 3 năm, nếu không có nhà đầu tư khác nhảy vào, không exit được thì Shark Hưng có quyền bán và startup phải mua lại cổ phần (Put Option).
Shark Linh đánh giá, thị trường bán hàng online của Việt Nam sẽ tăng trưởng trong vài năm tới. Thế nhưng, chị chưa thấy rõ điểm khác biệt của Nobita.pro so với đối thủ trên thị trường, định giá của startup cũng hơi cao. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử, marketing,… cũng như nhận thấy đây là một cơ hội để Shark tham gia ngay giai đoạn đầu nhằm hỗ trợ startup phát triển tiếp, Shark Linh đề nghị 500.000 USD cho 45% cổ phần.
Shark Bình cũng cho rằng định giá doanh nghiệp của startup khá cao, khả năng kiếm tiền và mở rộng mô hình doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức và đưa ra đề nghị 500.000 USD cho 20% cổ phần.
Giải quyết được "nỗi đau" trả đơn của shop online, cá mập Shartk Tank đua nhau đầu tư. |
Trong khi đó, nhìn thấy tiềm năng của đội ngũ sáng lập phù hợp với định hướng tương lai của Sunhouse, cùng với mong muốn đầu tư vào con người, Shark Phú đã “phá lệ”, ngay lập tức thay đổi offer, giảm 6% cổ phần so với tỷ lệ ban đầu: 500.000 USD cho 19% cổ phần.
Shark Bình lên tiếng, cho rằng Shark Phú và startup đang có 2 mong muốn khác nhau. Mong muốn của Shark Phú là tìm 1 đơn vị outsource (thuê ngoài) phát triển phần mềm phục vụ Sunhouse, mong muốn của startup là phát triển hệ thống kinh doanh B2B cho những người bán hàng online. “Đưa các em về làm cho Shark Phú thì không khác gì nhốt con chim đại bàng trong 1 cái lồng”, Shark Bình nói.
Với cam kết này của nhà sáng lập, Shark Phú đưa ra đề nghị mới: 200.000 USD cho 7%, 300.000 USD là khoản chuyển đổi với discount vòng sau là 30%. Nhà sáng lập Nobia.pro đưa ra một đề nghị mới với Shark Phú: 300.000 USD cho 7%, 200.000 USD là khoản chuyển đổi với discount vòng sau là 20% nhưng không được Shark Phú chấp thuận.
Lúc này, startup đưa ra một đề nghị khác cho Shark Bình là 400.000 USD cho 15%, 100.000 USD là khoản chuyển đổi với discount vòng sau là 20%.
Sau một lúc tranh luận cùng Shark Phú, Shark Bình đồng ý với đề nghị 400.000 USD cho 15%, 100.000 USD là khoản chuyển đổi từ 3 - 5% cổ phần dựa trên performance, kèm discount cho vòng sau.
Với bộc bạch này của startup, Shark Phú đề nghị đầu tư cùng Shark Bình với con số 400.000 USD cho 15%, 100.000 USD là khoản chuyển đổi với discount 30% cho vòng sau. Startup mong muốn giảm con số discount xuống 25% và được Shark Phú chấp thuận.
“Tức là Shark Bình vào cổ phần, Shark Phú vào Convertible (khoản vay chuyển đổi) luôn vòng sau”, Shark Bình giải thích thêm.
Cuối cùng, Shark Bình đầu tư 400.000 USD cho 15%, Shark Phú đầu tư 100.000 USD là khoản chuyển đổi với discount 25% so với định giá vòng sau.
Duy Vũ
Startup tạo ứng dụng chăm sóc khách hàng đa nền tảng gọi vốn thành công Shark Tank
Nền tảng tạo ứng dụng trên thiết bị di động cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp kiến tạo khách hàng trung thành CNV Loyalty vừa gọi vốn thành công tại Shark Tank với khoản đầu tư 250.000 USD cho 10% cổ phần từ Shark Hưng.