Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước), đây là ‘luật có tính chất xương sống của ngành y tế’. Do đó cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính khả thi của luật.
“Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn một số nội dung lớn của dự thảo luật liên quan đến tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ cần được tiếp tục nghiên cứu”, đại biểu Sang nói.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu là động lực để các bệnh viện và ngành y tế thay đổi, phát triển. Do vậy, theo ông, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật thị trường.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, nếu giải quyết được giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì vận hành bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh.
"Đây chính là lối đi của tự chủ, làm tốt thì đủ tiền 'nuôi quân', đầu tư phát triển thương hiệu", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.
Còn đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) chưa yên tâm với quy định kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và thời hạn của giấy phép hành nghề.
Theo đại biểu, Bộ Y tế cần có lộ trình phù hợp đánh giá khách quan năng lực hành nghề, đồng thời cấp phép hành nghề đúng quy định.
Giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, đây là dự án luật rất khó, bởi nó liên quan đến lĩnh vực chuyên sâu, tác động đến vấn đề quý nhất của con người - đó là sức khỏe của 100 triệu dân.
Về ý kiến kiểm soát năng lực người hành nghề, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dự thảo luật đã đưa ra các nội dung liên quan đến các quy định về kiểm tra, đánh giá năng lực.
Bà Đào Hồng Lan cho biết, đầu mối để tổ chức đánh giá năng lực của người hành nghề đó là Hội đồng y khoa. Hội đồng này hoạt động độc lập so với cả cơ sở đào tạo.
Về thời hạn giấy phép hành nghề, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, để giải quyết bất cập của luật cũ, dự luật đã quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp.
“Đây là một trong những biện pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề liên quan tới chất lượng cũng như đạo đức người hành nghề. Theo đó, người hành nghề sẽ phải thực hiện việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục”, bà Đào Hồng Lan nói.
Liên quan đến nội dung về tự chủ, Bộ trưởng Y tế cho biết, trước mắt dự thảo luật quy định một số nội dung mang tính chất nguyên tắc, đặc thù đối với ngành y tế.
“Về lâu dài, chúng tôi rất mong muốn Quốc hội, Chính phủ có luật liên quan đến đơn vị sự nghiệp công lập để giải quyết triệt để những tồn tại liên quan tới đơn vị sự nghiệp công lập”, bà Đào Hồng Lan nói.
Giải trình về vấn đề giá khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, dự luật quy định về các yếu tố hình thành giá theo hướng tính đúng, tính đủ.
Theo bà Lan, hiện nay mới tính được 2/4 yếu tố là nhân công và chi phí trực tiếp hình thành giá khám chữa bệnh. Còn các chi phí liên quan đến khấu hao và quản lý thì chưa được tính trong giá thành.
“Nội dung này đã được tiếp thu để có lộ trình giải quyết phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm xã hội, của ngân sách và của người dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói thêm.