Việc nâng cao trình độ quản lý và đẩy mạnh ứng dụng đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất trong bối cảnh thiếu lao động ở khu vực nông thôn hiện nay là hướng đi tất yếu bảo đảm giải quyết bài toán động lực cho các hợp tác xã thay đổi năng suất, chất lượng sản phẩm tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

W-truyxuat.png
Nhiều hợp tác xã đã chú trọng sử dụng tem truy xuất nguồn gốc nông sản

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, Hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam được giao thực hiện nội dung "Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" thuộc tiểu dự án 2 trong dự án 10 về "Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" cho tất cả các đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và đặc biệt là thành viên đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, đánh giá hiện trạng công nghệ và mức độ chuyển đổi số của các hợp tác xã và thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hoạt động trọng tâm của dự án "Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".

Các kết quả của đánh giá này sẽ là căn cứ khách quan và sát thực để các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan hỗ trợ hợp tác xã như Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh đề xuất triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách hiệu quả.

Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, năm ngoái Viện đã tổ chức điều tra 200 hợp tác xã trên quy mô cả nước. Kết quả cho thấy, về mức độ tự động hóa của thiết bị sản xuất, 70% hợp tác xã không có thiết bị, trong số 30% hợp tác xã có thiết bị thì chỉ có 7% hợp tác xã có thiết bị hoạt động theo chế độ tự động (chương trình cố định hoặc chương trình linh hoạt) chủ yếu là các hệ thống tưới tự động, còn lại 23% hợp tác xã có thiết bị bán tự động (các thiết bị tương đối cũ).

Như vậy, có thể thấy hiện trạng công nghệ sản xuất ở mức trung bình và tương đối đồng đều. Mức độ đầu tư, đổi mới thiết bị của các hợp tác xã còn thấp.

Ngoài ra, các hợp tác xã khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang ở giai đoạn đầu của mức 2 trong 5 mức tức là giai đoạn đầu của sự Bắt đầu chuyển đổi số và còn khoảng cách rất xa mới chạm được Mức 3 của thang điểm đánh giá này.

Kết quả này cũng đồng thời cho thấy sự cần thiết và cấp bách hiện nay của các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy cho khu vực này phát triển và tiếp cận chuyển đổi số, thương mại điện tử cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng và đổi mới công nghệ sản xuất.

Diệu Bình và nhóm PV, BTV