Các tòa nhà chọc trời cần ứng dụng trong việc quản lý năng lượng |
Tiết kiệm năng lượng cần có các giải pháp đồng bộ từ nhỏ đến lớn, từ hộ gia đình đến các tòa nhà chọc trời, qua đó mới góp phần đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.
Ở quy mô gia đình, AirWatt là ứng dụng trong quản lý các thiết bị tiêu thụ điện dành cho hộ gia đình và doanh nghiệp. Đây là một sản phẩm của startup Việt từng đoạt giải ở Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) năm 2020 dưới tên gọi AirIoT.
Khi đó, AirIoT đã được lắp đặt thí điểm tại 500 phòng trên khắp Việt Nam, đem lại mức tiết kiệm điện năng từ 25-40% mỗi tháng. Giải pháp mà AirIoT đưa ra khi đó là ứng dụng hệ thống thông minh giúp đóng ngắt mạch điện tự động khi khách đi ra khỏi căn hộ/khách sạn cho thuê.
Trở về từ cuộc thi, CEO Trần Nguyễn Duy Tuấn đã quyết định đổi tên AirIoT thành AirWatt và phát triển song song giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp kinh doanh căn hộ/khách sạn lẫn các hộ gia đình.
Với các hộ gia đình, cảm biến của AirWatt sẽ đọc thông tin về dòng điện và điện áp hàng triệu lần mỗi giây. Với ứng dụng học máy (machine learning), nó sẽ nhận ra các đặc điểm khác nhau của thiết bị sau khoảng 1-2 tuần. Từ đó, AirWatt sẽ tìm cách tối ưu điện năng tiêu thụ bằng cách tắt các thiết bị không cần thiết.
Tuy vậy, AirWatt hay bất cứ startup công nghệ nào trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng cũng sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các công ty, tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài.
Tiêu biểu như Schneider Electric thành lập từ năm 1836, đã có 26 năm hoạt động ở Việt Nam. Tập đoàn này hiện đang đi đầu trong việc cung cấp các giải pháp quản lý từ căn hộ cá nhân đến các tòa nhà lớn, văn phòng của doanh nghiệp đến cơ sở y tế, các nhà máy, xí nghiệp cho đến sản xuất thiết bị điện như công tắc, rơ-le, cầu chì, tủ rack, bộ lưu điện…
Với các tòa nhà hiện đại ở Việt Nam, một giải pháp đồng bộ có sự trợ giúp từ các công ty nước ngoài như Schneider Electric là điều cần thiết. Bởi theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ước tính các tòa nhà trên toàn cầu đã chiếm tới 33% lượng năng lượng tiêu thụ. Tối ưu hóa tiêu thụ điện năng trong các tòa nhà sẽ trở thành vấn đề cấp bách của nhân loại khi dự báo đến năm 2050, 66% dân số sẽ sống trong thành phố, chiếm 80% lượng điện toàn cầu.
Trước yêu cầu cấp bách đó, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm một lần, Hà Nội đã tổ chức chương trình đánh giá, công nhận danh hiệu cho các cơ sở sử dụng năng lượng xanh. Các cơ sở tham gia chương trình được đánh giá qua hiệu quả quản lý năng lượng, ứng dụng đổi mới trang thiết bị kỹ thuật có mức độ tự động hóa theo hướng công nghệ 4.0.
Tổng cộng đến năm 2019, Hà Nội đã trao danh hiệu này cho 61 cơ sở, công trình xây dựng. Tiêu biểu như JW Marriott nhờ ứng dụng một loạt các giải pháp điều khiển tự động hóa kết hợp thay thế đèn LED, tái sử dụng nước thải… giúp khách sạn này tiết kiệm khoảng 6,15 tỷ đồng mỗi năm.
Các lợi ích của ứng dụng quản lý tòa nhà thông minh trong các tòa nhà lớn |
Còn theo thống kê của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, điều hòa là thiết bị tiêu thụ tới 60-75% năng lượng trong các khách sạn, trung tâm thương mại, trụ sở cơ quan hành chính nơi đây. Nếu đầu tư xây dựng hệ thống tiết kiệm năng lượng ngay từ đầu, chi phí xây dựng chỉ tăng khoảng 3% nhưng chi phí vận hành có thể giảm từ 14-36% nhờ tiết kiệm năng lượng.
Với các tòa nhà đang hoạt động, việc cải tạo lại bằng cách triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng giúp tiết kiệm từ 15-25%.
Tuy nhiên, thực tế khoảng 80-90% các công trình xây dựng ở Việt Nam không tích hợp hiệu quả các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Trong khi Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xây dựng từ 6-7%/năm cho các công trình thương mại và nhà ở cao tầng (chung cư), theo Trung tâm.
Rất nhiều các giải pháp đã được đưa ra như hệ thống quản lý tòa nhà thông minh (tiết kiệm 12% năng lượng), hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời (85%), lắp đặt kính cửa sổ năng lượng thấp giảm nhiệt (5%), sơn phản nhiệt, tận dụng nhiệt từ phòng giặt ủi và hệ thống điều hòa, thông gió (5-30%)…
Mặc dù vậy, các tòa nhà, công trình xây dựng vẫn còn e dè trong việc ứng dụng công nghệ, giải pháp mới. Vì thế, một mặt rất cần có sự thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, một mặt cần có chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư thực thi các giải pháp này một cách đồng bộ.
Có như vậy mới có thể hoàn thành mục tiêu cơ bản đến năm 2030 là tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, theo tinh thần của Quyết định số 280/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phương Nguyễn
Chạy đua dự án điện mặt trời ở nhiều địa phương trên cả nước
Đầu tư dự án điện mặt trời quy mô lớn góp phần tích cực giúp giảm phát thải khí nhà kính, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về chống biến đổi khí hậu.