|
Hải quan điện tử góp phần rút ngắn thời gian cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: H.P |
“Mở toang cánh cửa” hải quan điện tử
Theo ông Nguyễn Bằng Thắng (Ban Cải cách hiện đại hóa - Tổng cục Hải quan), hiện ngành Hải quan Việt Nam đang đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ đưa thủ tục hải quan điện tử trở thành một phương thức phổ biến, góp phần hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xuất nhập khẩu. Trong thời gian qua, việc triển khai mở rộng thủ tục hải quan điện tử theo mô hình Chi cục hải quan được thực hiện đồng thời cả hai phương thức truyền thống và điện tử đã đáp ứng được tình hình thực tiễn và yêu cầu mở rộng, đảm bảo tính lan tỏa, phù hợp với điều kiện hiện tại và làm tiền đề để triển khai mô hình thông quan tập trung sau này.
Và nhằm đẩy mạnh triển khai thành công hơn nữa thủ tục hải quan điện tử trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu phấn đấu nâng tỷ trọng kim ngạch thực hiện thủ tục hải quan điện tử đạt 70% trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, tỷ trọng tờ khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử đạt 70% tổng số tờ khai trên địa bàn với phạm vi 70% số Chi cục Hải quan được thực hiện. Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp hạ tầng CNTT phục vụ cho thủ tục hải quan điện tử (như phần mềm, thiết bị phần cứng, đường truyền, an ninh bảo mật…), kết nối các trang thiết bị kiểm tra hiện đại (như máy soi container...), kết nối với hệ thống thanh toán qua ngân hàng, hệ thống trao đổi thông tin qua kho bạc, cập nhật đầy đủ các cơ sở dữ liệu để nâng cao mức độ tự động hóa của hệ thống.
Ông Thắng nhận định: “Để đạt được những mục tiêu đặt ra là cả một thách thức lớn. Chính vì vậy, trước mắt ngành Hải quan Việt Nam cần thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số và dịch vụ giá trị gia tăng trong giao dịch điện tử, làm nền tảng cho triển khai mở rộng thủ tục hải quan điện tử, hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ để áp dụng hải quan điện tử theo chuẩn mực hải quan hiện đại mà cụ thể là bộ dữ liệu WCO 3.0 của Hội đồng Tổ chức Hải quan thế giới để triển khai hiệu quả thủ tục hải quan điện tử”.
Trao đổi thêm về hướng đi của ngành hải quan trong thời gian tới, ông Thắng cho biết ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để chuẩn hóa, mã hóa và xây dựng cơ chế cập nhật các danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu có điều kiện, các danh mục quản lý chuyên ngành. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu chung kết nối giữa các Bộ, ngành trong cấp phép và quản lý danh mục chuyên ngành. Cùng đó, trong thời gian tới ngành cũng đẩy mạnh tuyên truyền về thủ tục hải quan điện tử để giúp cho doanh nghiệp hiểu được đầy đủ lợi ích.
|
Ngành hải quan sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về thủ tục hải quan điện tử để giúp cho doanh nghiệp hiểu được đầy đủ lợi ích. |
Đẩy mạnh “cơ chế một cửa” với WCO 3.0
Trao đổi về vấn đề chuẩn hoá thông tin phục vụ thủ tục Hải quan điện tử hướng đến thực hiện “cơ chế một cửa” vào 2012, ông Nguyễn Trần Hiệu - Phó Cục truởng Cục CNTT - Thống kê (Tổng Cục Hải quan) khẳng định: Cơ chế một cửa cho phép việc cung cấp, xử lý dữ liệu một lần và ra quyết định một lần, nhằm giúp cho việc thông quan hàng hoá được thực hiện nhanh chóng. Trong đó, khái niệm “ra quyết định một lần” được hiểu thống nhất là một điểm ra quyết định duy nhất đối với việc thông quan trên cơ sở các quyết định do các cơ quan chức năng ban hành và được gửi tới cơ quan hải quan kịp thời.
Chính vì vậy, để góp phần thực hiện thành công mục tiêu nêu trên, thì chứng từ thương mại và thủ tục đơn giản hoá phù hợp với các chuẩn mực quốc tế sẽ là những tác động lớn nhằm thúc đẩy giao dịch thương mại (vì bộ chứng từ này sẽ cung cấp cơ sở chung cho việc thực hiện các biện pháp tương tự được áp dụng ở nhiều nước và vùng lãnh thổ khác nhau). Ngoài ra, chứng từ thương mại là bước đi đầu tiên trong tiến trình việc nộp chứng từ điện tử và tự động hoá hải quan, mà trong đó mẫu dữ liệu hải quan (WCO Dataset) cung cấp một khuôn khổ làm việc với các bộ dữ liệu đã được tiêu chuẩn hóa.
Trao đổi thêm, ông Hiệu cũng cho biết từ năm 2008, Hội đồng Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã thông qua ba thành phần cơ bản của mẫu dữ liệu WCO phiên bản 3.0 gồm các mẫu xử lý dữ liệu về doanh nghiệp, các bộ dữ liệu và mẫu thông tin toàn diện. Các thành phần dữ liệu này sẽ chính là nền tảng để xây dựng, điều chỉnh các quy trình xử lý dữ liệu doanh nghiệp, các sơ đồ phụ cho quy trình của sơ đồ thông tin toàn diện và xây dựng Bộ dữ liệu nhiều lớp thân thiện hơn với người sử dụng. Và với những thông tin điện tử tiêu chuẩn như vậy, các doanh nghiệp khi xuất trình cho cơ quan hải quan, các cơ quan quản lý khác để hoàn thiện thủ tục xuất nhập cảnh, quá cảnh, thông quan hàng hóa trong các giao dịch thương mại quốc tế sẽ cho phép hệ thống thông tin của hải quan, các cơ quan quản lý liên quan và các đối tác thương mại làm việc cùng nhau một cách hiệu quả nhất.
Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số tháng 10/2010.