Giảm 70% thời gian định danh khách hàng
Ra mắt vào cuối tháng 10/2018, dịch vụ Easy Vay của Viettel Money gặp nhiều bất lợi vì quy trình xác minh tài khoản quá nhiều bước. Khách hàng khi thực hiện đăng ký tài khoản cần phải ra xác thực trực tiếp tại cửa hàng, mất nhiều thời gian và công sức. Đây chính là một trong những lí do khiến khách hàng từ bỏ Easy Vay và lựa chọn những dịch vụ cho phép định danh trực tuyến khác.
Không chỉ vậy, việc định danh tài khoản trực tiếp tiêu tốn của Viettel Money một nguồn nhân lực khổng lồ túc trực tại cửa hàng trên cả nước. Trong khi đó, những thủ đoạn lừa đảo, giả mạo giấy tờ càng ngày càng tinh vi mà mắt thường không thể nhìn ra được; chính vì vậy việc tiếp tục giải pháp định danh truyền thống (KYC) không còn phù hợp và an toàn.
Từ năm 2020, giải pháp định danh điện tử Viettel eKYC do Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI) được tích hợp trên hệ thống của Viettel Money để tự động hóa nghiệp vụ mở tài khoản vay.
“Bức tranh” Easy Vay của Viettel Money trở nên hoàn thiện, cho phép người dùng có thể đăng ký mở tài khoản mọi lúc, mọi nơi chỉ với chiếc điện thoại. Khách hàng truy cập vào ứng dụng Viettel Money, thực hiện quay khuôn mặt và chụp hình ảnh các giấy tờ cá nhân theo hướng dẫn.
Các công nghệ AI sau đó sẽ tự động xác thực, đối chiếu thông tin khách hàng và hoàn tất thủ tục mở tài khoản. Giải pháp định danh điện tử này nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều, giúp khách hàng không còn phải mất thời gian tới trực tiếp cửa hàng.
Theo Viettel Money, Viettel eKYC đã giúp giảm tải số lượng lớn nhân viên cho việc định danh khách hàng tại điểm, cắt giảm trên 80% giấy tờ và tiết kiệm đến trên 70% thời gian để hoàn thành các thủ tục so với nghiệp vụ KYC truyền thống. Trung bình 500.000 tài khoản được mở mới mỗi tháng; tiết kiệm tới 5 tỷ VNĐ cho Viettel Money so với phương án định danh khách hàng tại cửa hàng.
Phát hiện gian lận đạt tỷ lệ chính xác cao
Viettel eKYC không chỉ giải quyết nhanh, tiết kiệm bài toán định danh khách hàng mà còn đảm bảo tính an toàn và chính xác về dữ liệu.
Giải pháp sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến để có thể phát hiện và ngăn ngừa các hình thức làm giả giấy tờ như công nghệ nhận dạng ký tự quang học, giúp tự động trích xuất các thông tin trong giấy tờ với tỉ lệ chính xác lên tới hơn 98%, cao hơn so với kiểm tra bằng nhân công (khoảng 95%).
Kết hợp công nghệ kiểm tra thực thể sống và công nghệ đối sánh khuôn mặt, Viettel eKYC tự động kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các trường hợp không phải thực thể người sống, gian lận bằng các hình thức: đeo mặt nạ, chụp khuôn mặt gián tiếp qua màn hình, khuôn mặt in trên giấy, khuôn mặt in trên thẻ, sử dụng video deepfake, mặt 3D…
Sau khi xác nhận chính xác là người thực đang giao dịch, giải pháp định danh điện tử của Viettel sẽ so sánh ảnh chụp khuôn mặt khách hàng tại thời điểm đăng ký dịch vụ và khuôn mặt trên giấy tờ tùy thân để xác định có cùng một người hay không, đảm bảo giấy tờ tùy thân sử dụng đăng ký dịch vụ là của đúng khách hàng đang tương tác.
Đặc biệt, là đối tác của Bộ Công an cung cấp dịch vụ xác thực thông tin công dân trong chip của căn cước công dân, Viettel eKYC có thể kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về CCCD ngay trong quá trình định danh. Giải pháp sẽ tự động kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn hầu hết các trường hợp giấy tờ tùy thân giả mạo, đã bị chỉnh sửa, không phải bản gốc, không còn giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật như: ảnh cắt góc, ảnh đục lỗ, dán đè ảnh chân dung, ảnh photo, in màu, chỉnh sửa thông tin, giấy tờ thông tin hết hạn, ảnh chụp qua màn hình… Tất cả đều được giải pháp tự động hóa và thực hiện chỉ trong vài giây với độ chính xác cao.
Mới đây, công nghệ tìm kiếm và nhận dạng khuôn mặt tự động được tích hợp trong Viettel eKYC cũng được xếp hạng thứ 4 thế giới, thứ 1 Việt Nam theo công bố của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST).
Tương lai của dịch vụ số
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ số trên môi trường trực tuyến, cùng với đó là nhu cầu xác minh danh tính an toàn để ngăn chặn các hành vi trục lợi, lừa đảo.
Trong tương lai, thị trường eKYC toàn cầu được dự đoán sẽ phát triển không ngừng. Từ 1.571,12 tỷ USD năm 2021, giá trị thị trường eKYC toàn cầu sẽ tăng lên khoảng 2.792 tỷ USD năm 2030. Từ 2022-2030, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 21,55%.
Không chỉ ngành tài chính ngân hàng mà các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực khác như bảo hiểm, thương mại điện tử, logistics, dịch vụ công... đều cần trang bị các giải pháp eKYC phục vụ định danh, xác minh điện tử. Cụ thể, eKYC đã và đang được ứng dụng trong xác thực thông tin khách hàng yêu cầu thanh toán bảo hiểm, bảo mật các tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ thương mại điện tử… eKYC tiết kiệm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp, tăng tính nhanh chóng và tiện lợi, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Xây dựng cơ sở dữ liệu số quốc gia là một trong những ưu tiên của chủ trương Chuyển đổi số quốc gia 2023. Các cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng của đất nước, nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Với chủ trương này, những giải pháp kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu quốc gia như Viettel eKYC hứa hẹn trở thành xu thế tất yếu, hướng tới khai phá tối đa tiềm năng của dữ liệu lớn trong quản lý và điều hành ở cấp độ vĩ mô, đảm bảo an toàn thông tin và các quyền lợi hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp.
Quốc Tuấn