Tốc độ phát triển của công nghệ và xu hướng mua sắm mới của người tiêu dùng đã làm thay đổi toàn bộ lối kinh doanh cũ của thị trường dược phẩm. Nhiều “ông lớn" trong ngành như Long Châu, Pharmacity, An Khang... không chỉ tăng tốc mở thêm các điểm bán vật lý mà còn ứng dụng công nghệ để dễ dàng tiếp cận khách hàng dùng cuối như xây dựng app bán hàng với nhiều chức năng mà nhà thuốc chưa đáp ứng được như giao hàng tận nơi, tư vấn trực tuyến...
Nhiều doanh nghiệp dược sử dụng các trang thương mại điện tử làm kênh mua bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe, cho thấy vai trò ngày càng rõ nét của kinh doanh dược phẩm trên nền tảng online.
Số liệu từ Euromonitor Việt Nam cho thấy, tỷ trọng kênh bán lẻ online trong ngành dược đang tăng dần, tính tới năm 2021 đã đạt gần 30%.
Theo bà Đinh Thị Thu Phương, Giám đốc tư vấn chiến lược ngành dược, chăm sóc sức khoẻ của Magneto IMC Agency, thống kê cho thấy 73% khách hàng ưa thích trải nghiệm các kênh bán hàng đa kênh. Khách hàng sử dụng công nghệ để trải nghiệm mua sắm đầy đủ, trực tuyến từ máy tính, thiết bị di động hoặc tại cửa hàng. Có tới 86% khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho một trải nghiệm tốt hơn.
Trước bối cảnh này, doanh nghiệp dược cần đa dạng hoá các kênh và đảm bảo hiện diện thương hiệu ở bất kỳ nơi nào cũng như tạo trải nghiệm mua sắm xuyên suốt giữa những kênh bán hàng. “Đẩy mạnh khai thác kênh online không chỉ để tăng doanh thu của kênh này mà còn để hiểu hơn về bản chất của kênh, từ đó kết nối với kênh offline và thúc đẩy doanh số ở cả hai kênh”, bà Phương nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Web Solution của Bizfly, các doanh nghiệp dược giao tiếp với khách hàng trên môi trường online vẫn chủ yếu qua 2 kênh là website và mạng xã hội. Ông Dũng cho biết với nền tảng TMĐT, hay các website TMĐT của đối tác trung gian (Pharmacity, Long Châu,...) doanh nghiệp sẽ tận dụng được tài nguyên của các sàn với mức chi phí thấp, kết hợp với hệ sinh thái có sẵn giúp vận hành dễ dàng hơn từ kho bãi, vận chuyển, xử lý đơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp không chủ động và phụ thuộc vào sàn trong quá trình vận hành; không sở hữu toàn bộ data khách hàng…
Các website thương hiệu mang lại khả năng xây dựng và phát triển thương hiệu tốt; chủ động trong việc vận hành, tối ưu. Nhưng lại không hiệu quả trong hỗ trợ bán hàng và chuyển đổi khách hàng; thường không có chức năng quản lý tài khoản nên không lưu trữ được thông tin. Trong khi đó, content website mang lại khả năng xây dựng và phát triển thương hiệu tốt, song nhược điểm là chỉ cung cấp tin tức.
Đại diện Bizfly cũng lưu ý, để tận dụng kênh giao tiếp mạng xã hội, doanh nghiệp phải xây dựng kênh thông tin chính thống của mình trên các nền tảng này, phát triển bằng cách livestream, hội thảo online,... Đồng thời, tận dụng các công cụ hỗ trợ như chatbot, phần mềm livestream, phần mềm bán hàng ngay trong khung cửa sổ chat.
Ngoài ra, phải xây dựng nhóm cộng đồng mạng xã hội, dành cho khách hàng có cùng quan tâm, cùng chí hướng nói về vấn đề chung của họ. Các doanh nghiệp dược có thể tận dụng những nhóm này để ra mắt sản phẩm mới, tìm kiếm phản hồi và tìm hiểu sâu về nhu cầu, mong muốn của khách hàng.
Duy Vũ