Cùng với việc kỷ niệm 15 năm Danh hiệu Sao Khuê, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) vừa công bố, trao Danh hiệu Sao Khuê 2018 cho 73 sản phẩm, giải pháp CNTT xuất sắc.
Nằm trong nhóm 25 sản phẩm, giải pháp phần mềm thương mại tiêu biểu của Việt Nam nhận được danh hiệu Sao Khuê 2018, giải pháp lưu thông tài liệu điện tử Libol Bookworm của Công ty cổ phần Công nghệ Tinh Vân (Tinhvan Group) là 1 trong 2 sản phẩm được vinh danh ở lĩnh vực Chính phủ điện tử, cùng với phần mềm quản lý lưu trữ điện tử - SIFILE của Công ty cổ phần Công nghệ và Giải pháp SIMAX.
Libol Bookworm là giải pháp được phát triển dựa trên sự kế thừa những tính năng nổi trội của hệ thống quản lý thư viện số Libol Digital kết hợp với ứng dụng mượn và đọc sách điện tử Bookworm. Đây là phần mềm thư viện điện tử tương tác, kết nối với các thư viện khác từ tất cả các trường học, doanh nghiệp, tổ chức… được xây dựng, phát triển với mục đích quản lý, cung cấp tài liệu số và sách điện tử đến tay bạn đọc một cách hiệu quả, nhanh chóng, tiện lợi, dễ sử dụng nhưng vẫn bảo vệ và tuân thủ tác quyền điện tử.
Hệ thống thư viện tích hợp Libol cho phép các thư viện có thể quản lý, theo dõi và báo cáo mượn trả trực tuyến theo thời gian thực, cũng như duy trì chính sách lưu thông tài liệu điện tử giống với tài liệu giấy. Trong khi đó, ứng dụng Bookworm được cài đặt trên thiết bị cá nhân cho phép người sử dụng đăng nhập bằng tài khoản được cấp bởi thư viện và chủ động thực hiện các chức năng của bạn đọc như: mượn, đọc, trả, gia hạn, đặt chỗ cho các cuốn sách hoặc tài liệu của thư viện. Bạn đọc hoàn toàn cho thể thực hiện mượn, trả, sử dụng tài liệu, ngay trên phần mềm mà không cần phải đến thư viện.
Với nền tảng công nghệ hiện đại và tính năng nổi trội, giải pháp lưu thông tài liệu điện tử Libol Bookworm được đánh giá là một trong những hệ thống phần mềm đi đầu trong việc quản lý thư viện số, góp phần đưa các thư viện tại Việt Nam hội nhập với xu hướng phát triển của ngành thư viện thế giới: hội tụ ở tài nguyên số.
Trong những năm qua, Trung tâm Thông tin thư viện - Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng được một kho tài liệu số gồm 50.000 tài liệu có giá trị khoa học cao, bao trùm tất cả các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Hàng năm, kho tài nguyên nội sinh này gia tăng thêm khoảng từ 8.000 đến 10.000 tài liệu mới là các đề tài nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án, sách của nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, kỷ yếu các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.
Từ đầu năm 2018, với mục đích giúp các sinh viên và cán bộ của Đại học Quốc gia Hà Nội khai thác hiệu quả kho tài nguyên số này, Trung tâm thông tin Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai sử dụng giải pháp phần mềm lưu thông tài liệu điện tử Libol Bookworm do Tinh Vân phát triển.
Thời gian vừa qua, giải pháp phần mềm Libol Bookworm của Tinh Vân đã hỗ trợ các sinh viên và cán bộ của Đại học Quốc gia Hà Nội truy cập và khai thác kho tài nguyên nội sinh của trường một cách thuận tiện mọi lúc mọi nơi, đồng thời hỗ trợ thư viện đóng gói và quản lý các tài nguyên số nội sinh, quy định chính sách mượn trả, bảo vệ bản quyền số cho tài liệu và chia sẻ chúng với các thư viện khác.
Với danh hiệu Sao Khuê dành cho Libol Bookworm năm nay, trong lịch sử 15 năm VINASA tổ chức Danh hiệu Sao Khuê, Công ty Tinh Vân đã có được 23 danh hiệu Sao Khuê. Thành tích này một lần nữa khẳng định uy tín của các sản phẩm, giải pháp công nghệ do Tinh Vân đầu tư nghiên cứu phát triển, được khách hàng và giới chuyên môn đánh giá cao.
Chia sẻ thêm về xuất bản điện tử tại Việt Nam hiện nay, đại diện Tinh Vân cho hay, Tteo xu hướng chung của thế giới, vai năm trở lại đây, ở nước ta xuất bản điện tử đã có những bước phát triển mạnh.
Cụ thể, về nguồn cung, cùng với sự ra đời của cả mô hình đại lý trung gian sách điện tử như Alezaa, Lạc Việt, Miki, đã có sự xuất hiện của các dịch vụ chuyên biệt gắn với một nhà xuất bản hoặc một loại hình ấn phẩm cụ thể như YBook của Nhà xuất bản Trẻ, Classbook của Nhà xuất bản Giáo dục hay giải pháp Libol Bookworm của Tinh Vân. Về phía cầu, một bộ phận người tiêu dùng, vốn đã trang bị cho mình những sản phẩm công nghệ tiên tiến như máy tính bảng và điện thoại thông minh đời mới nhất, cũng đang cần tìm những nguồn nội dung hấp dẫn và bổ ích để tải về và khai thác trên thiết bị của họ.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại và thiếu đồng bộ trong việc kết nối giữa cung và cầu. Đó là việc chi trả cho ấn phẩm điện tử chưa thực sự trở thành thói quen của tâm lý tiêu dùng; là sự kém phổ biến và chi phí cao của hạ tầng thanh toán trực tuyến; là ý thức tôn trọng bản quyền không tốt làm các nhà xuất bản và các tác giả ngần ngại do dự và trên hết, văn hóa đọc của đại chúng vẫn là một yếu tố cần được tiếp tục nâng cao.
“Sự dịch chuyển của thư viện sang môi trường số trực tuyến mang tính sống còn để tổ chức này duy trì được vai trò là kênh cung cấp tri thức quan trọng cho bạn đọc. Nhưng cần đảm bảo quyền lợi của cả độc giả, thư viện cũng như của tác giả và nhà xuất bản khi tài liệu được khai thác ở dạng số. Nói đơn giản, giải pháp công nghệ phải giúp hoạt động mua sắm, mượn trả sách điện tử của thư viện giống như sách giấy”, đại diện Tinh Vân nhận định.