Đầu tháng 8, ở huyện Văn Bàn (Lào Cai), hộ gia đình bà Làng Thị Hiền, thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng và hộ bà Đỗ Thị Chắc, tổ dân phố số 9, thị trấn Khánh Yên đón niềm vui mới. Đây là hai hộ đầu tiên của huyện được hỗ trợ xây mới nhà ở, thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn huyện Văn Bàn đến năm 2025.

Toàn huyện Văn Bàn còn 10 xã, 84 thôn đặc biệt khó khăn; 442 hộ khó khăn đang ở nhà tạm, dột nát, chưa có khả năng tự cải tạo, nâng cấp để đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu.

Lãnh đạo huyện Văn Bàn khẳng định việc hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công; hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện trách nhiệm và đạo lý "Đền ơn đáp nghĩa", "Thương người như thể thương thân" và “Lá lành đùm lá rách”, góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người gặp hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người yếu thế để "không có ai bị bỏ lại phía sau".

Để tạo điều kiện giúp các gia đình từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định đời sống, từ năm 2020 - 2024, với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ nhà ở cụ thể, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có chương trình Giảm nghèo bền vững, huyện Văn Bàn đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 544 hộ gia đình người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Thời gian qua, triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo huyện Văn Bàn đã được những kết quả khả quan. Năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,34% (tương đương giảm được gần 900 hộ nghèo). Đến đầu năm 2024, số hộ nghèo còn lại là 2.261 hộ (tương đương 11,1%), số hộ cận nghèo còn lại là 1.361 hộ. 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giảm nghèo dự ước đạt 2,23%, đạt 54,39% so với kế hoạch tỉnh Lào Cai giao đầu năm (4,1%). Cụ thể, số hộ nghèo tính tới tháng 7 của huyện là 1.071 hộ (giảm được 1.190 hộ), tỷ lệ nghèo giảm về còn 8,78%. Số hộ cận nghèo còn lại là 1.261 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo còn lại là 6,1%.

Chăm lo cho người nghèo, huyện Văn Bàn xác định không chỉ lo bài toán về thu nhập mà phải thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài chiều thiếu hụt nhà ở đang được triển khai tích cực, huyện cũng triển khai đồng bộ các chính sách nhằm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch và nhà vệ sinh, thông tin.

W-giam ngheo Van Ban .jpg
Chăm lo cho người nghèo, huyện Văn Bàn xác định không chỉ lo bài toán về thu nhập mà phải thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Chủ trương của huyện Văn Bàn là công tác giảm nghèo phải theo hướng đa chiều, bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với đăc thù về cấu tạo và địa hình của đất, huyện Văn Bàn định hướng, tạo điều kiện để các hộ gia đình phát triển các mô hình kinh tế phù hợp phát triển mô hình trồng cây hoa màu, rau, cây ăn quả thay vì trồng cây lương thực. Điều này nhằm tạo việc làm tại chỗ, đem lại thu nhập tốt, giúp ổn định cuộc sống cho bà con, góp phần giảm nghèo bền vững cho từng gia đình và cả địa phương.

Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lại được địa phương tạo điều kiện, hiện nay, nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi ở Văn Bàn đang tạo cảm hứng cho nhiều gia đình nghèo học tập, vươn lên. Điển hình như mô hình cây hành lá của gia đình chị Sự (thôn Nà Lộc, xã Hòa Mạc); hay mô hình trồng cam lòng vàng của ông Nguyễn Trường Tam, mô hình trồng cam Vinh (Nghệ An) của ông Lưu Công Trường (xã Khánh Yên Trung). Ngoài ra, mô hình chăn nuôi bò tại xã Sơn Thủy, chăn nuôi lợn tại xã Tân An, nuôi lợn giống tại xã Khánh Yên Thượng cũng được đánh giá cao...

Ở Văn Bàn, để giúp người nghèo, huyện hưởng ứng các chương trình, phong trào được phát động từ cấp trên. Đơn cử, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Văn Bàn hưởng ứng phát động tháng cao điểm Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo" với thông điệp "Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn". Phong trào diễn ra từ ngày 10/4 đến ngày 31/12, đợt cao điểm từ ngày 2-31/5. 

Chương trình nhằm tập trung huy động các nguồn vốn đáp ứng kịp thời vốn giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với giải pháp tích cực, dự kiến hết năm 2024 tăng trưởng nguồn vốn tiết kiệm trong dân cư đạt 6 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn vốn quan trọng tạo thêm nguồn lực góp phần giúp người nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở, phát triển thêm nhiều loại hình sinh kế, tạo đòn bẩy để thoát nghèo bền vững.