Nền tảng để xây dựng môi trường thông minh
Trước đây, người dùng chỉ có thể theo dõi chất lượng không khí tại Hà Nội qua ứng dụng của nước ngoài như Air Visual hay vào trang web của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Sở TN&MT Hà Nội . Tuy nhiên, như tại Hà Nội, hiện chỉ có khoảng 10 điểm đo khắp thành phố, Air Visual mới có 1 số điểm đo của các CTV và dựa trên mô hình hóa từ dữ liệu về tinh
Ra mắt từ đầu năm 2019, giải pháp PAM Air đã có khoảng 80 điểm đo sensor ở một số tỉnh thành trên cả nước, trong đó Hà Nội khoảng 40 điểm. PAM Air dựa trên các thiết bị cảm biến đo chất lượng không khí theo thời gian thực (Online Air Quality Sensors). Dữ liệu tại các điểm đo sẽ được thu thập, xử lý và phân tích để tính toán ra Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index – AQI) và hiển thị trên cổng thông tin www.pamair.org và ứng dụng PAM Air.
Trao đổi với ICTnews, ông Hoàng Dũng, Giám đốc công ty D&L, đơn vị sở hữu PAM Air cho biết, giải pháp này ra đời từ tôn chỉ của công ty “Toward Community”- đóng góp cho cộng đồng một công cụ hữu ích dễ sử dụng để bất cứ cá nhân nào cũng có thể theo dõi, cập nhật thông tin về chất lượng môi trường và được cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí trong khu vực của bản thân, của gia đình và xã hội.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có các giải pháp đo chất lượng không khí tương tự như PAM Air để từ đó xây dựng đô thị thông minh hay môi trường thông minh. “Vì thế, PAM Air được xây dựng vừa hướng đến vấn đề môi trường đang được xã hội quan tâm, vừa sử dụng nền tảng công nghệ mà D&L đang phát triển”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, khó khăn lớn nhất trong quá trình hơn xây dựng PAM Air là tạo ra các thiết bị phần cứng theo tiêu chuẩn quốc tế, với các điều kiện ở Việt Nam, khi trước giờ vẫn quen đi mua của nước ngoài rồi áp dụng. “Đối với phần mềm mang tính chất xã hội như PAM Air, độ nhận biết hay mức độ quan tâm của người dân đến vấn đề chất lượng không khí và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe cũng tỷ lệ thuận với sự thành công của chúng tôi”, ông Dũng nói.
Không khí Hà Nội chỉ ô nhiễm vào những ngày nồm ẩm, ít gió
Tháng 3/2019, Tổ chức giám sát chất lượng không khí AirVisual vừa công bố danh sách các quốc gia và thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2018. Dựa trên chỉ số lượng bụi siêu vi PM2.5 trong không khí, Hà Nội đứng thứ hai ở Đông Nam Á và 12 thế giới về mức độ ô nhiễm. Năm nay, chỉ số ô nhiễm không khí Hà Nội dường như không có dấu hiệu giảm đi. Thống kê trong 30 ngày của tháng 5/2019, chỉ số chất lượng không khí AQI Hà Nội trong khoảng từ 78 (chỉ số bình thường) ngày 8/5 cho đến 165 (có hại cho sức khỏe) ngày 3/5, trong đó mức ô chất lượng bình thường chỉ đạt 5/30 ngày.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, dựa trên theo dõi của hệ thống PAM Air và ý kiến đánh giá của các nhà khoa học, chất lượng không khí chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi điều tượng khí tượng như gió, nhiệt độ và độ ẩm. Theo đó, không khí sẽ trở nên ô nhiễm khi vào những ngày nồm ẩm, không có gió vì các hạt bụi siêu mịn PM2.5 (nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu ở thành phố) không thoát đi được.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4, TP Hà Nội cũng trong tình trạng thời tiết như vậy nên chất lượng không khí trở nên rất xấu. Mặc dù vậy, chất lượng không khí quãng thời gian này không đại diện cho TP Hà Nội của cả 12 tháng trong một năm, mà chỉ trong một thời điểm nhất định nên từ đó không thể đánh giá Hà Nội ô nhiễm thứ 2 ở Đông Nam Á như trong báo cáo quốc tế .
“Thời điểm Hà Nội có chất lượng không khí tốt rơi vào mùa hè và mùa thu”, ông Dũng khẳng định.
Về mục tiêu đến cuối năm, PAM Air mong muốn có thể phủ được 63 tỉnh thành phố trên khắp Việt Nam, trong đó có khoảng hơn 100 điểm tại Hà Nội và các khu vực lân cận để có đánh giá chính xác nhất về nguyên nhân gây ra ô nhiễm. “Chúng tôi rất mong mỏi các tổ chức, cơ quan, cá nhân có thể cùng chung tay với PAM Air để nhân rộng các điểm đo cảm biến để thực hiện mơ ước mỗi một tổ dân phố, một khu dân cư, chung cư có một thiết bị đo”, ông Dũng chia sẻ.