1. Thực trạng phát triển sản phẩm, dịch vụ nội dung số tại Việt Nam
Từ những năm gần đây, Công nghiệp CNTT đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia. Theo số liệu trong Sách Trắng CNTT-TT được Bộ TTTT công bố năm 2017, tổng số doanh nghiệp CNTT cả nước năm 2016 ước tính là 24.501 doanh nghiệp tăng 13,13% so với năm 2015. Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT năm 2016 ước tính đạt 1.500.009 tỷ đồng (tương đương 67,693 tỷ USD, tăng 11,49% so với năm 2015) trong đó công nghiệp phần cứng là 58,838 tỷ USD, công nghiệp phần mềm là 3,038 tỷ USD, công nghiệp nội dung số là 739 triệu USD và dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối) là 5,078 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu CNTT ước đạt 60,789 tỷ USD trong đó phần cứng điện tử là 57,737 tỷ USD, phần mềm là 2,491 tỷ USD. Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 34.320 tỷ đồng (đóng góp khoảng 3,4% tổng ngân sách nhà nước). Qua số liệu thống kê như trên thì tỷ trọng đóng góp của mảng nội dung số trong lĩnh vực Công nghiệp CNTT còn khá thấp, chưa xứng với tiềm năng và chưa khai thác hết được thế mạnh của lĩnh vực này tại Việt Nam, cụ thể theo các con số thống kê trong Sách trắng CNTT-TT 2017 như sau (số liệu thống kê các doanh nghiệp thuần nội dung số):
a) Về số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực Nội dung số
Doanh nghiệp phần cứng, điện tử : 2.980 doanh nghiệp năm 2015 và ước tính 3.404 doanh nghiệp năm 2016; Doanh nghiệp phần mềm: 6.143 doanh nghiệp năm 2015 và 7.433 năm 2016; Doanh nghiệp nội dung số: 2.339 doanh nghiệp năm 2015 và 2.700 năm 2016; Doanh nghiệp dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối): 10.196 doanh nghiệp năm 2015 và 10.965 doanh nghiệp năm 2016. (Nguồn: Tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương).
Tổng số doanh nghiệp nội dung số chiếm 11,01% trên tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT
b) Về doanh thu nội dung số:
Tổng doanh thu công nghiệp CNTT đạt 60.715 triệu USD năm 2015, 67.693 triệu USD năm 2016 (Tăng trưởng 11,49%); Doanh thu phần cứng, điện tử 53.023 triệu USD năm 2015, 58.838 triệu USD năm 2016 (Tăng trưởng 10,97%); Doanh thu phần mềm: 2.602 triệu USD năm 2015, 3.038 triệu USD năm 2016 (Tăng trưởng 16,8%); Doanh thu nội dung số: 638 triệu USD năm 2015, 739 triệu USD năm 2016 (Tăng trưởng 15,83%); Doanh thu dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối): 4.453 triệu USD năm 2015, 5.078 triệu USD năm 2016 (Tăng trưởng 14,04%).
Tổng doanh thu nội dung số chiếm: 1% trên tổng doanh thu công nghiệp CNTT
c) Xuất, nhập khẩu nội dung số
Tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực nội dung số chiếm gần 6% tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp CNTT
Trên cơ sở các số liệu được so sánh như trên, có thể nói với số lượng doanh nghiệp nội dung số hiện đang cung cấp dịch vụ (11,1%) và số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực này (6%) thì các tỷ trọng doanh số, tỷ trọng xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực này trên tổng số ngành Công nghiệp CNTT còn khá khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng phát triển tại Việt Nam (nước có số dân trẻ, số người sử dụng Internet lớn, chiếm hơn 50% tổng số dân). Những hạn chế dẫn đến việc phát triển của lĩnh vực nội dung số chưa theo kịp sự phát triển của ngành CNTT nói chung sẽ được phân tích, đề cập ở phần sau.
2. Thực trạng cơ chế chính sách phát triển nội dung số tại Việt Nam
Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lĩnh vực CNTT là một trong những lịch vực sớm được ban hành khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là Luật CNTT đã sớm được Quốc Hội ban hành và có hiệu lực thi hành vào tháng 1 năm 2007. Trên cơ sở đó, các văn bản dưới Luật đã được Chính phủ và các Bộ, ngành sớm trình ban hành. Trong lĩnh vực công nghiệp nội dung số, phải kể đến các văn bản, chủ trương như sau:
- Luật CNTT quy định “Nhà nước có chính sách ưu đãi, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt chú trọng công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung để trở thành một ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân”;
- Nghị định số 71/2007/NĐ- CP ngày 3/5/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin;
- Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trong đó sản xuất sản phẩm nội dung số thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
- Chính phủ đã ban hành một số Chương trình như: Phát triển công nghiệp phần mềm (Quyết định 51/2007/QĐ-TTg), phát triển công nghiệp nội dung số (Quyết định 56/2007/QĐ-TTg) và Quy chế quản lý Chương trình công nghiệp phần mềm và nội dung số (Quyết định 50/2009/QĐ-TTg). Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 392/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo chương trình này, một số nội dung quan trọng được quy định, trong đó có khái niệm sản phẩm CNTT trọng điểm, sản phẩm nội dung số thương hiệu Việt, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường.
- Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 16/2014/TT-BTTTT ngày 18/11/2014 quy định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm, Thông tư số 43/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 ban hành Danh mục sản phẩm nội dung thông tin số. Thông tư số 01/2017/TT-BTTTT ngày 16/02/2017 ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm. Thông tư số 47/2016/TT-BTTTTT (thay thế Thông tư số 01/2014/TT-BTTTT ngày 30/12/2009) quy định về ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (trong đó có sản phẩm nội dung số).
Như vậy, có thể nói, các văn bản QPPL trong lĩnh vực nội dung số đã và đang được quan tâm rất nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, cơ chế ưu đãi cho sản xuất sản phẩm nội dung số hay cơ chế ưu đãi cho nguồn nhân lực vẫn chưa được thi hành …, Cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước còn chưa được bình đẳng, hiện tượng vi phạm bản quyền còn xẩy ra và việc thanh toán trực tuyến và các cơ chế còn chưa được đồng bộ… thực tiễn cho thấy khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực nội dung số còn hạn chế, chưa đáp ứng được mong mỏi của cơ quan nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp và cần các cơ quan liên quan đồng hành trong thời gian tới.
3. Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ nội dung số thương hiệu Việt
Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển, thực trạng về hành lang pháp lý, để ngành sản phẩm, dịch vụ nội dung số thương hiệu Việt được phát triển trong thời gian tới, cần tiến hành đồng bộ một số các giải pháp sau:
- Cần sớm rà soát, điều chỉnh, bổ sung các Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân …, trong đó đưa sản xuất nội dung số là lĩnh vực được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi nhân lực làm việc trong lĩnh vực này;
- Cần hoàn thiện khung hành lang pháp lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào kinh doanh lĩnh vực này tại Việt Nam;
- Cần có cơ chế hỗ trợ tài chính từ Nhà nước để đảm bảo phát triển, cung ứng một số sản phẩm nội dung số chủ lực, cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài;
- Cần sớm triển khai chính sách ưu đãi nhân lực làm việc trong lĩnh vực nội dung số theo tinh thần của Nghị quyết Chính phủ số 41/NQ-CP ngày 26/05/2016 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam;
- Cần đẩy mạnh, tăng cường chính sách, thực thi về bảo đảm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nội dung số;
- Cần đẩy mạnh, hỗ trợ phát triển thanh toán trực tuyến…
Trong thời gian tới, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng hành của các Bộ, ngành, các Hội, Hiệp hội trong lĩnh vực CNTT và các doanh nghiệp các giải pháp đề ra như trên sẽ sớm được triển khai trong thực tế, các giải pháp này sẽ giúp ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc trong thời gian tới, tỷ trọng đóng góp vào ngành Công nghiệp CNTT sẽ tăng mạnh đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng.